Ngày 16/4, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố Báo cáo Thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2024 với chủ đề “Thu hút FDI vào công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, năng lượng sạch, khoa học và công nghệ, đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng”. Báo cáo cho rằng, Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện. Với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn.
Theo báo cáo của VAFIE, năm 2024, vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,2 tỷ USD, giảm 3,0% so cùng kỳ; vốn đăng ký các dự án mới chiến tỷ lệ 51,6%, vốn điều chỉnh tăng thêm chiếm 36,5%, vốn GVMCP chiếm 11,9%. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 25,3 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với vốn đầu tư hơn 25,5 tỷ USD, chiếm 66,9%; kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 6,3 tỷ USD, chiếm 16,5%; sản xuất, phân phối điện đứng thứ 3 với 1,42 tỷ USD, chiếm 3,72% và bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy xếp thứ 4 với 1,40 tỷ USD, chiếm 3,68% vốn đăng ký.
![]() |
Công bố Báo cáo Thường niên về FDI năm 2024 với nhận định Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn. |
Bắc Ninh dẫn đầu các tỉnh, thành phố trên cả nước với hơn 5,1 tỷ USD đầu tư FDI, chiếm 13,4% vốn đăng ký; Hải Phòng xếp thứ hai với hơn 4,9 tỷ USD, chiếm 12,9% vốn đăng ký. Tiếp theo là TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương.
147 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng đầu với vốn đăng ký 92 tỷ USD, chiếm 18,3%, Singapore thứ hai với 83,1 tỷ USD, chiếm 16,5% và Nhật Bản thứ ba với 77,6 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đăng ký, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc.
Năm 2024, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam có sự chững lại trong 9 tháng đầu năm 2024 do ảnh hưởng từ những bất ổn kinh tế toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị và biến động tỷ giá. So với cùng kỳ năm 2023, tổng giá trị các thương vụ giảm từ 4,4 tỷ USD xuống còn 3,2 tỷ USD trong năm 2024.
Tuy nhiên, số lượng thương vụ tăng từ 188 lên 198, cho thấy Việt Nam hiện vẫn là quốc gia hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường cũng có sự thay đổi trong chiến lược khi các nhà đầu tư có xu hướng quan tâm tới các thương vụ với quy mô nhỏ hơn nhằm thích ứng với bối cảnh tình hình thị trường khó khăn và biến động.
Nhận định về triển vọng thu hút FDI 2025, Báo cáo Thường niên về FDI nhấn mạnh, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện; nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng xanh là mục tiêu khó, trong khi số lượng tập đoàn lớn đầu tư vào nước ta chưa nhiều, các doanh nghiệp FDI cũng gặp khó khăn trong việc hướng tới tăng trưởng xanh.
Báo cáo trích dẫn: bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam cùng với Singapore và Malaysia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ. Nhiều tập đoàn công nghệ đã ghi dấu ấn hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. “Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam.
“Theo các chuyên gia kinh tế, với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn. Những chính sách gần đây của Mỹ như Friend Shoring (dịch chuyển sản xuất của Hoa Kỳ sang các đối tác thân thiện) đã nhìn nhận Việt Nam đóng vai trò quan trong trong chính sách này của họ”, báo cáo cho biết.