Việt Nam cần nhanh chóng có giải pháp để ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu

17:37 24/02/2023

Dự kiến đầu năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu, điều này sẽ tác động đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài ở nhiều quốc gia. Với Việt Nam, chính sách thuế này sẽ tác động như thế nào?

Ảnh minh họa
TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

 Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây đã công bố chi tiết bản hướng dẫn cuối cùng đối với Chính phủ các nước về cách thức đưa thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào các văn bản luật, tiến gần hơn tới việc thực hiện cải cách này vào năm sau. OECD dự kiến cải cách sẽ giúp tạo ra thêm 220 tỷ USD thu nhập thuế trên toàn cầu.

Thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (19.500 tỷ đồng) trong ít nhất 2 năm của giai đoạn 4 năm liền kề trước năm soát xét sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Nếu đang chịu mức thuế thấp hơn 15% ở quốc gia mà họ đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp phần “thiếu hụt” còn lại với mức thuế 15% cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính.

Để ứng phó với điều này, ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Hiện nay, Tổ công tác đang được kiện toàn nhân sự để nhanh chóng xây dựng khung pháp lý nội luật về thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả.

Tuy vậy, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kỳ vọng những hành động để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu cần phải được cơ quan quản lý thúc đẩy nhanh hơn nữa, bởi chúng ta chỉ còn một năm để tìm giải pháp. Nếu Việt Nam chậm triển khai ứng phó với chính sách này thì sẽ gặp bất lợi lớn trong việc thu hút và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Hiếu, hiện nay ưu đãi thuế của Việt Nam cho hoạt động đầu tư gồm phổ biến là: Ưu đãi thời gian miễn, giảm thuế đối với đầu tư mới, đầu tư mở rộng: Miễn 4 năm, giảm 9 năm; miễn 2 năm, giảm 4 năm. Một số tính toán cho thấy, trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp FDI trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %.

Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu lực chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm hiệu lực trong nhiều trường hợp.

“Chính sách thuế này khi được áp dụng sẽ tác động trước hết đến doanh nghiệp FDI đầu tư lớn; tác động động đến thu hút mới các dự án đầu tư. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là tác động cả đến dự án FDI đã, đang hoạt động tại nước ta đang trong thời kỳ hưởng chính sách ưu đãi; và có thể ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của nhà đầu tư đang hoạt động. Tuy chịu ảnh hưởng chủ yếu là những nhà đầu tư lớn, có quy mô doanh thu hợp nhất trên 750 triệu EUR toàn cầu. Nhưng ở chừng mực nào đó, rất có thể có những nhà đầu tư FDI nhỏ nhưng họ nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh, là một phần trong hoạt động kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia thì họ có thể bị chịu thuế suất thuế tối thiểu, sẽ bị liên đới” – ông Phan Đức Hiếu thông tin và cho biết, ngoài tác động tiêu cực, thì chính sách thuế này có cơ hội tăng thu ngân sách và hạn chế trốn tránh thuế, hạn chế tình trạng các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư theo cách “đưa nhau xuống đáy”.

Ảnh minh họa
 Nếu Việt Nam chậm triển khai ứng phó với chính sách này thì sẽ gặp bất lợi lớn trong việc thu hút và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài/ Nguồn ảnh PLO

Để hạn chế tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, ông Phan Đức Hiếu cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng đánh giá để xác định mức độ bị tác động – bao gồm cả cơ hội và tác động tiêu cực; cần nhanh chóng rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi và từ đó cần xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực, đối tượng, tác động tích cực – tiêu cực, cơ hội, thách thức. Chỉ khi chúng ta xác định đầy đủ bức tranh tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp.

“Chính phủ không thể làm một mình, mà cần có đối thoại, hợp tác, tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp và chính sách của một số quốc gia khác”, ông Hiếu cho biết.

Thanh Hà