Vì sao Nghị định 08 đã "cấp cứu" xong cho thị trường TPDN nhưng "căn bệnh" vẫn còn?

05:32 15/03/2023

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Vương Quốc Anh cho rằng, việc ban hành Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã đáp ứng nhu cầu thực tế ngay trước mắt nhưng chưa giải quyết được các vấn đề của thị trường trong dài hạn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sau những vụ việc chấn động liên qua tới hoạt động phát hành và sử dụng vốn sai mục đích của một số doanh nghiệp bất động sản lớn, và động thái siết tín dụng, thị trường trái phiếu nước ta đứng trước thử thách cam go. Các nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa, phấp phỏng lo lắng cho khoản tiền chưa thu được về, trong khi doanh nghiệp thì xoay tứ phía khó khăn. Hạn thanh toán cận kề, cùng với những thông tin bất thường của các tổ chức phát hành trái phiếu chậm trả nợ gốc, lãi, khiến dự báo về một cơn “sóng thần” càng ngày càng đến gần.

Trong bối cảnh đó, Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/3 đã như “chiếc phao” cứu sinh không chỉ đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà còn với các nhà đầu tư, và với cả thị trường.

"Có thể thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp như bệnh nhân đã được cấp cứu xong sau khi quy định mới được ban hành nhưng căn bệnh thì vẫn còn đó và có thể tái phát bất cứ lúc nào. Khi trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn và tâm lý thị trường xấu thì những vấn đề đó lại bộc lộ", ông Tuấn nói.

Theo chuyên gia, Nghị định 08 đã tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đàm phán lại trong trường hợp họ không thể trả được nợ trái phiếu.

Nhà đầu tư cũng có quyền quyết định bởi nếu không chấp nhận phương án kéo dài thời hạn hay trả nợ trái phiếu bằng sản phẩm khác thì doanh nghiệp vẫn phải thanh toán như bình thường. Tuy nhiên, về lâu dài việc “chữa bệnh”, cần có những giải pháp căn cơ hơn. 

Xét về bản chất, việc dành cho các doanh nghiệp thời gian tái cấu trúc và thu xếp các phương án thanh toán bằng các tài sản khác, là đẩy nợ xấu về tương lai. Do đó ngay trong hiện tại, doanh nghiệp cần tận dung cơ hội thời gian “ân hạn” này để hành động thật hiệu quả và có trách nhiệm. “Ân hạn” chỉ đến một lần, nên tranh thủ như thế nào để vượt khó một cách hiệu quả, đó chính là cuộc đua sinh tử đối với các doanh nghiệp. Còn về phía nhà đầu tư, cần một sự tin tưởng vào quy định của pháp luật, cũng như tin tưởng vào thiện tâm của doanh nghiệp để cho doanh nghiệp cơ hội được duy trì, trả nợ. Cân nhắc giữa việc chấp nhận để doanh nghiệp phải công bố phá sản, với việc giúp doanh nghiệp “còn nước còn tát” với hy vọng thu hồi đồng vốn đã bỏ ra, chắc chắn các nhà đầu tư đều có một câu trả lời cho mình. Khi cả hai bên cùng có trách nhiệm với chính mình và với nhau, thì sự thiện chí sẽ được xác lập, là cơ sở để hai phía cùng chèo chống vượt khó khăn trước mắt.

Cần lưu ý rằng, Nghị định này chỉ để bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn, chứ không phải là giải pháp để xử lý dứt điểm được vấn đề của thị trường TPDN và những khúc mắc về tình hình tài chính của các tổ chức phát hành lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Các tổ chức phát hành TPDN phải thực sự có thiện chí trong việc đàm phán với trái chủ để có được phương án gia hạn nợ hợp lý hoặc hoán đổi tài sản với giá thị trường. Nói cách khác, khi đảm bảo được quyền lợi của trái chủ thì giá trị của Nghị định 08 mới thực sự đi vào cuộc sống.

Ông Hồ Quốc Tuấn cho rằng, để giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như tháo gỡ những tắc nghẽn về vốn thì việc xử lý các vấn đề của thị trường bất động sản rất quan trọng. Trung Quốc một mặt cũng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý và một mặt bơm tiền ra. "Đối với nền kinh tế, chúng ta đang có sự tắc nghẽn trong nguồn vốn của nền kinh tế, xuất phát từ lãi suất đang rất cao", ông Tuấn nói.

Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn của tất cả các nước. Vì vậy, cần có nguồn vốn thứ hai để thúc đẩy nền kinh tế, đó chính là đầu tư công. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công ở Việt Nam còn rất chậm.

Bên cạnh đó, đang có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải sa thải công nhân do đơn hàng mới sụt giảm. Vấn đề là liệu doanh nghiệp chống chịu được đến khi có đơn hàng mới hay không? Vì vậy, cần có chính sách riêng với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu và cũng được xem là một chính sách hỗ trợ đối với nền kinh tế, GS. Tuấn đề xuất.

Thanh Hà t/h