Liên quan đến việc Big C ngưng nhập hàng may mặc Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, sau cuộc họp giữa Bộ Công Thương, Tập đoàn Central Group và doanh nghiệp may mặc Việt Nam, ngay trong ngày 4/7, Big C cam kết sẽ mở đơn hàng với 50/200 nhà cung cấp hàng may mặc.
Trong 2 tuần tới, Big C sẽ làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp Việt Nam, khoảng 100 nhà cung cấp nữa sẽ được mở đơn hàng. 50 nhà cung cấp còn lại sẽ làm việc kỹ hơn vì một số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được quy định và cam kết theo hợp đồng đã ký.
50 nhà cung cấp còn lại Big C bàn thảo thay đổi cơ cấu vì muốn kinh doanh hàng chất lượng cao hơn
Nói thêm về việc này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, 50 nhà cung cấp được mở là những nhà cung cấp lớn nhất, 100 nhà cung cấp tiếp theo phải xem lại cơ cấu hàng hóa, kiểm tra lại xưởng sản xuất, còn 50 nhà cung cấp còn lại Big C bàn thảo thay đổi cơ cấu vì muốn kinh doanh hàng chất lượng cao hơn.
“Họ không phàn nàn về chất lượng hàng may mặc của nhà cung cấp Việt Nam. Họ thay đổi chiến lược kinh doanh mới là siêu thị GO! Market với mặt bằng khác, mặt hàng kinh doanh chất lượng cao nhiều hơn. Đây là chiến lược kinh doanh mới của họ, mình tôn trọng quyết định đó và theo dõi họ có tuân thủ pháp luật Việt Nam không như luật cạnh tranh, luật dân sự, bảo vệ người tiêu dùng”, bà Nga giải thích.
Cũng theo bà Lê Việt Nga, hiện không có quy định nào về tỷ lệ hàng nội địa của các nhà cung cấp Việt Nam trong hệ thống siêu thị ngoại.
Riêng Big C cam kết giữ nguyên trên 90% hàng Việt, hàng Thái Lan 1,26% trong đó hàng thương hiệu Thái Lan 0,3% và cam kết giữ vững tỷ lệ này.
“Năm 2018 tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống siêu thị này là 96% bao gồm nhiều mặt hàng, phần lớn kinh doanh hàng nông sản chiếm tới hơn 70%”, bà Nga nói.
Diệu Thùy