Bài liên quan |
EuroCham: Cân nhắc hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu vang, rượu mạnh nhập khẩu |
Cần cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt |
Liên quan tới một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra đề xuất bổ sung sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt – một động thái thể hiện quyết tâm mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa các cam kết môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) khẳng định cần thiết đưa túi ni lông vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm tạo cú hích trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, nhất là tại các khu vực nhạy cảm về môi trường như khu du lịch, cơ sở lưu trú ven biển. Bà dẫn chứng, hiện nay khoảng 80% các địa điểm này đã hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, phù hợp với mục tiêu đến sau năm 2025 chấm dứt hoàn toàn việc lưu hành các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường tại những nơi công cộng như trung tâm thương mại, siêu thị.
![]() |
Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nhựa dùng một lần, túi ni lông |
Mặc dù các chiến dịch tuyên truyền đã được đẩy mạnh, thực tế cho thấy việc sử dụng túi ni lông vẫn còn phổ biến, gây hệ lụy nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Bà Tâm nhấn mạnh, chính sách thuế cụ thể là áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt – công cụ điều tiết hành vi tiêu dùng hữu hiệu, giúp định hướng lại thói quen sử dụng vật liệu nhựa trong dân cư và doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc áp thuế đặc biệt với nhựa dùng một lần là cần thiết, nhất là trong bối cảnh sản phẩm này tiếp tục được tiêu thụ rộng rãi ngoài chợ và các kênh bán lẻ dù đã có nhiều nỗ lực kêu gọi hạn chế.
Từ góc nhìn dài hạn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đánh giá, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhựa dùng một lần không chỉ là biện pháp kiểm soát ô nhiễm mà còn thúc đẩy đổi mới công nghệ, hướng doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm sinh thái, qua đó góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng và hội nhập với xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý cần có lộ trình triển khai phù hợp để doanh nghiệp và người dân có thời gian chuyển đổi và thích ứng.
Phản hồi các đề xuất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến và xem xét lại chính sách hiện hành. Ông thông tin thêm, hiện nay các sản phẩm nhựa đã chịu mức phí bảo vệ môi trường cao nhất trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, trước đề xuất từ Quốc hội, Bộ sẽ rà soát và cân nhắc khả năng kết hợp thêm công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt để tăng hiệu quả điều tiết và giảm phát thải.
Việc đưa sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ là một biện pháp tài chính, mà còn là tuyên ngôn rõ ràng về cam kết của Việt Nam đối với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và hội nhập xu thế tiêu dùng xanh toàn cầu.