Ngày 22/4, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. Trước việc Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc tháng 5/2025, các ý kiến tại hội thảo cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát (NGK) có đường sẽ gây ra tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp trong ngành NGK cũng như các ngành khác trong chuỗi cung ứng.
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành đồ uống trong đó có các doanh nghiệp NGK hiện đóng góp khoảng trên 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách Nhà nước, chiếm gần 3% tổng thu ngân sách, chưa kể tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Đây là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước và ổn định an sinh xã hội.
Ngoài ra, ngành NGK thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Coca-cola, Suntory PepsiCo ... và cả vốn đầu tư từ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, là động lực cần hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.
Trong mấy năm trở lại đây, ngành đồ uống đã gặp rất nhiều khó khăn. Chuỗi cung ứng thì bế tắc, giá nguyên vật liệu tăng thậm chí lên tới ba, bốn mươi phần trăm. Nhiều doanh nghiệp, số lượng lao động cũng giảm đi, rồi thu nhập thì giảm xuống và tình hình khó khăn chúng tôi thấy rất là nghiêm trọng.
Nếu không có chính sách thuế hợp lý, việc đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng và duy trì dòng vốn đầu tư sẽ gặp rất nhiều thách thức. Bởi vậy, các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc kỹ lưỡng, chưa nên bổ sung nước giải khát có đường và đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
![]() |
Hội thảo “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. |
Tại hội thảo, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, mặc dù việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt là hết sức cần thiết nhưng cần phải xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng thu thuế như trường hợp NGK có đường trong bối cảnh mới hiện nay.
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV và tại nhiều hội thảo, tọa đàm đã có rất nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá toàn diện vì ngành cũng đã chia sẻ rất nhiều các nghiên cứu, cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc áp thuế đối với mặt hàng NGK có đường là không hiệu quả đối với mục tiêu ngăn ngừa và giảm tình trạng thừa cân béo phì. Đồng thời, không đảm bảo tính công bằng, hợp lý, không đúng và không trúng vì NGK không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây nên bệnh thừa cân béo phì.
Cũng có nghiên cứu cho thấy 49% người tiêu dùng sẽ chuyển sang thức uống đường phố, có chứa đường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực đưa ra các giải pháp để kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua các các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2026 trong đó có mặt hàng NGK có đường, giảm giãn một số loại thuế phí.
Trong khi đó, dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt lại áp thuế với mặt hàng này khi mà cơ sở chưa được rõ ràng, thuyết phục và ảnh hưởng tới động lực kích cầu tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, chúng ta cần phải lưu ý đảm bảo niềm tin của các nhà đầu tư, tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, minh bạch.
Ông Hòa kiến nghị, trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất khó khăn, các chính sách cũng nên cân đối, đồng thuận, đồng chiều. Cần hiểu kỹ thực trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam, các nguyên nhân, cơ sở để có giải pháp toàn diện, hiệu quả. Khi chưa có đủ cơ sở chắc chắn dựa trên các nghiên cứu khoa học toàn diện thì chưa nên mở rộng, bổ sung mặt hàng NGK có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thế giới đang tăng trưởng chậm lại mà Việt Nam lại muốn tăng trưởng đột phá 8% vào 2025 và hai con số giai đoạn 2026-2030, cao nhất trong khu vực. Lạm pháp thế giới, giá dầu khá ổn nhưng rủi ro bất định về chính sách thương mại, thách thức rất lớn.
Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, sức cầu tiêu dùng còn rất yếu. Bởi vậy, cần lưu ý tác động đối với phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Những mặt hàng đưa vào đối tượng chịu thuế (chẳng hạn như NGK có đường) thì cần làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và đặc thù của Việt Nam.
Dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt cần hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cần có đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, có cơ sở khoa học và sát thực tiễn, không nên “tận thu” mà nên nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, phối hợp, đồng bộ và nhất quán nhiều chính sách mới đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, bền vững và mục tiêu chính sách thuế đề ra.