Chiều ngày 4/4 đã diễn ra Tọa đàm thuế tiêu thụ đặc biệt về ngành nước giải khát. Các đại biểu tại tọa đàm đều mong muốn Quốc hội xem xét lùi thời hạn áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng nước giải khát có đường.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PSG. TS. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) ngày một “nóng” lên khi sắp tới, các Đại biểu quốc hội sẽ bấm nút thông qua. Mặc dù ngành đồ uống của Hiệp hội VBA có những đóng góp nhất định vào kinh tế, xã hội, môi trường ở trung ương và địa phương nhưng những mặt hàng rượu, bia và nước giải khát lại là những mặt hàng cần phải được thực hiện quản lý theo chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế và một số tổ chức phi chính phủ.
Với đề xuất về thuế TTĐB đối với ngành đồ uống, trong đó có ngành nước giải khát - mặt hàng mới được bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất 10% sẽ có những tác động tới nền kinh tế.
![]() |
PSG. TS. Nguyễn Văn Việt phát biểu tại Tọa đàm thuế tiêu thụ đặc biệt về ngành nước giải khát”. |
Bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBA cho rằng, thời gian để hoàn thiện, chỉnh lý Dự thảo luật thuế TTĐB (sửa đổi) không còn nhiều.
“Hiệp hội VBA và các doanh nghiệp ngành nước giải khát mong đợi các nhà hoạch định chính sách xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Trong trường hợp, Chính phủ đã có đủ cơ sở để áp thuế mặt hàng này thì cần thận trọng cân nhắc một lộ trình áp dụng phù hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp”, bà Vân Anh nói.
Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc Khu vực kiêm Trưởng Đại diện Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ US-ASEAN kiến nghị Việt Nam chưa nên bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường >5gr/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Bởi vì cơ quan soạn thảo chưa nghiên cứu và đánh giá đầy đủ tác động kinh tế trong bối cảnh rủi ro quốc tế đang gia tăng mà mới đây nhất là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Trump áp thuế lên đến 56% đối với hàng Việt Nam xuất sang Mỹ.
Việc áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường không chỉ tác động tiêu cực đến ngành đồ uống mà còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế, làm giảm sức mua của người tiêu dùng và gián đoạn hoạt động kinh doanh.
![]() |
Các đại biểu tham dự tọa đàm “Thuế tiêu thụ đặc biệt về ngành nước giải khát”. |
“Chúng tôi cho rằng, cải cách thuế cần phải cân bằng giữa các mục tiêu tài chính và động lực kinh tế. Việc tăng thuế đột ngột có thể làm giảm sức mua, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng hoạt động đầu tư. Điều này đi ngược lại với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025 và hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo”, ông Thành nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thành, thực tế doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng chi phí kinh doanh cao. Bao gồm chi phí tài chính cho Nhà nước ngoài thuế, tuân thủ các quy định giảm phát thải trong nước và quốc tế, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và việc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Các doanh nghiệp nước giải khát Hoa Kỳ tại Việt Nam luôn tiên phong trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chất lượng cao, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, là các doanh nghiệp dẫn đầu đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước, trong phát triển bền vững, trách nhiệm bảo vệ môi trường và cộng đồng.
Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất cần Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích tiêu dùng trong nước. Việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của doanh nghiệp, tới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
“Chúng tôi kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét một lộ trình áp dụng phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị nguồn lực tài chính, điều chỉnh công thức sản phẩm. Đề nghị Chính phủ trình Quốc Hội xem xét lùi thời hạn áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước giải khát có đường tới 1/1/2028 với thuế suất khởi đầu là 5%”, ông Thành nói.