Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới đây đã kiến nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc tạm hoãn việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu vang và rượu mạnh nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay. Kiến nghị này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức từ môi trường quốc tế, đồng thời tiếp tục theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng.
Ông Olivier Fages, Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh thuộc EuroCham, nhấn mạnh rằng dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thể thị trường đồ uống có cồn, ngành rượu vang và rượu mạnh nhập khẩu đã có những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Chỉ riêng trong năm 2023, lĩnh vực này đóng góp khoảng 310 triệu USD vào GDP, tương đương 1,5% mức tăng trưởng kinh tế.
![]() |
EuroCham: Cân nhắc hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu vang, rượu mạnh nhập khẩu |
Đề xuất từ EuroCham được đưa ra trong bối cảnh Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho hai phương án tăng thuế TTĐB từ năm 2026. Theo đó, mức thuế áp dụng với rượu vang có thể tăng lên 60–70% và rượu mạnh có thể đạt 90–100% vào năm 2030. Tuy nhiên, ông Fages cảnh báo rằng việc tăng thuế quá nhanh sẽ tạo ra rào cản thương mại mới, đặc biệt đi ngược lại tinh thần hội nhập của Hiệp định EVFTA – vốn đã cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm này trong vòng 7 năm kể từ tháng 8/2020.
Ngoài ra, ông Fages cảnh báo về hệ lụy từ việc tăng thuế quá mức, đó là nguy cơ gia tăng tiêu thụ các sản phẩm phi chính thống, như hàng lậu, hàng giả hoặc không được kiểm soát về chất lượng và an toàn. Theo thống kê, hiện các sản phẩm này chiếm đến 63% tổng lượng tiêu thụ tại Việt Nam – một con số cho thấy rủi ro lớn đối với sức khỏe cộng đồng và quản lý nhà nước.
Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và phân phối rượu bị tác động, mà toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, du lịch và thương mại cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Ngành rượu vang và rượu mạnh đóng vai trò hỗ trợ trong nâng cao trải nghiệm ẩm thực và du lịch – vốn là một trong những điểm mạnh đang được Việt Nam tích cực khai thác để thu hút du khách quốc tế. Theo khảo sát từ Oxford Economics, có đến 70% du khách tiềm năng từ Đông Nam Á coi trải nghiệm ẩm thực – bao gồm đồ uống chất lượng cao – là yếu tố quan trọng khi chọn điểm đến.
EuroCham khẳng định luôn ủng hộ chính sách kiểm soát việc sử dụng rượu bia có hại, nhưng kêu gọi một cách tiếp cận toàn diện, cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì đà phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay và hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, các chính sách thuế cần được xem xét thận trọng để không làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và gây rào cản cho ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao.