![]() |
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông): Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và điều hòa nhiệt độ phổ thông |
Tại phiên thảo luận về dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) bày tỏ quan điểm cần xem xét lại việc áp thuế đối với hai mặt hàng thiết yếu là xăng và điều hòa nhiệt độ dưới 90.000 BTU. Ông nhấn mạnh, việc đánh thuế cần đúng bản chất và phù hợp với thực tế sử dụng của người dân.
Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, xăng là mặt hàng thiết yếu, không thể hạn chế sử dụng như những mặt hàng xa xỉ khác. Đáng chú ý, xăng hiện đã chịu đồng thời hai loại thuế: thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. "Việc đánh thuế có đúng bản chất không?" – ông Giang đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng nếu mục đích là bảo vệ môi trường, thì nên điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường thay vì áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tương tự, với mặt hàng điều hòa nhiệt độ có công suất dưới 90.000 BTU – vốn là sản phẩm phổ biến trong các hộ gia đình – đại biểu Giang cũng cho rằng không nên coi đây là hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. “Xăng và mặt hàng điều hòa nhiệt độ không nên bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Giang khẳng định.
Làm rõ thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, với điều hòa nhiệt độ, Chính phủ từng đề xuất áp thuế đối với loại có công suất 90.000 BTU trở xuống. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội để rà soát kỹ hơn. Kết quả rà soát cho thấy, nhiều loại điều hòa phổ thông, được các hộ gia đình sử dụng rộng rãi, nằm trong khung dưới 90.000 BTU. Vì vậy, phương án phân loại lại theo hai mức – từ 18.000 BTU trở xuống và trên 18.000 đến dưới 90.000 BTU – đang được xem xét để có chính sách phù hợp hơn.
Đối với mặt hàng xăng, Thứ trưởng Tuấn cho biết, từ năm 1995 đến nay, xăng đã nằm trong danh mục hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc này không chỉ áp dụng tại Việt Nam mà còn phổ biến ở nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia... Ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt, các nước này cũng áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng.
Thứ trưởng phân tích thêm: “Thuế bảo vệ môi trường là khoản thu tuyệt đối, còn thuế tiêu thụ đặc biệt là theo tỷ lệ phần trăm”. Đối với xăng sinh học, Nhà nước đang áp dụng mức thuế ưu đãi để khuyến khích sử dụng. Cụ thể, xăng E5 chỉ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 8%, E10 là 7%, thấp hơn so với xăng thông thường là 10%. “Nếu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, sẽ không còn cơ chế khuyến khích dùng xăng sinh học”, ông Tuấn nêu quan điểm.
![]() |
Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế - Tài chính cho biết đã có ý kiến đề xuất bổ sung xăng và điều hòa nhiệt độ vào danh sách các mặt hàng không chịu thuế, với lý do đây là những hàng hóa thiết yếu trong đời sống người dân.
Đối với mặt hàng xăng, Ủy ban nêu rõ, nhằm khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đã quy định mức thuế ưu đãi cho xăng E5 là 8% và E10 là 7%, thấp hơn mức 10% áp dụng cho xăng khoáng thông thường. Việc này phù hợp với mục tiêu cốt lõi của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều tiết hành vi tiêu dùng, khuyến khích sử dụng tiết kiệm các loại hàng hóa, đồng thời đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang là thách thức toàn cầu, cùng với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc tiếp tục áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng – bao gồm cả các loại xăng sinh học – được cho là cần thiết. Theo Ủy ban, điều này không chỉ góp phần định hướng người dân tiêu dùng tiết kiệm mà còn hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
“Từ những lý do trên, xin giữ nguyên quy định như trong dự thảo Luật”, báo cáo nêu rõ.
Liên quan đến mặt hàng điều hòa nhiệt độ, Ủy ban Kinh tế - Tài chính cho biết việc áp thuế đối với điều hòa có công suất dưới 90.000 BTU đang được thực hiện ổn định nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường trong tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước thực tế nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát, điều hòa không khí ngày càng gia tăng và đã trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày – đặc biệt trong điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt – Ủy ban cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo đó, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh phạm vi các loại điều hòa nhiệt độ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm đảm bảo chính sách thuế vừa phù hợp với thực tiễn, vừa không gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.