Xăng được đề xuất giảm thuế VAT 2% đến hết 2026 Đề xuất giảm thuế VAT còn 8%, người tiêu dùng hưởng lợi gì? |
Lần đầu tiên trong lịch sử thuế Việt Nam, xăng và dầu – những mặt hàng vốn chịu thuế tiêu thụ đặc biệt – được đề xuất đưa vào diện được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%. Đề xuất này, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2026.
Trong bối cảnh giá điện tăng, kinh tế toàn cầu chịu sức ép từ chính sách bảo hộ và xu hướng lạm phát quay trở lại, quyết định này mang tính hỗ trợ kép. Một mặt giúp giảm trực tiếp giá bán lẻ xăng dầu – mặt hàng đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế, mặt khác, kích thích tiêu dùng, giảm chi phí sinh hoạt của người dân và chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
![]() |
Giảm thuế VAT xăng dầu đòn bẩy hạ giá, kích cầu toàn nền kinh tế. |
Với ngành vận tải – lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nhiên liệu – đề xuất giảm VAT là cú hích đáng giá. Ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, khẳng định chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá thành. Giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp vận tải bớt áp lực, giữ giá vé ổn định, tăng sức cạnh tranh hàng hóa nội địa trên thị trường quốc tế.
Tương tự, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng việc hạ VAT xăng dầu sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa rộng, khi xăng dầu là đầu vào của mọi ngành. Khi giá đầu vào giảm, hàng hóa và dịch vụ có thể giảm theo, từ đó thúc đẩy cầu tiêu dùng – yếu tố quan trọng để phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, giảm thuế chỉ là giải pháp ngắn hạn. PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, thị trường xăng dầu chịu chi phối mạnh từ giá dầu thế giới, nên mức giảm 2% VAT sẽ khó bù đắp nếu giá dầu thô tiếp tục tăng cao. Việc giảm VAT mang tính tạm thời, hỗ trợ tức thời nhưng không thể thay thế các giải pháp quản lý vĩ mô dài hạn về điều tiết thị trường, nguồn cung và ổn định giá cả.
Trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay, người tiêu dùng đang gánh ít nhất 4 loại thuế, bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và VAT. Chưa kể các khoản định mức kinh doanh, lợi nhuận và quỹ bình ổn giá. Đây là lý do vì sao giá xăng dầu trong nước khó giảm sâu, ngay cả khi có biện pháp điều tiết từ Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng lý giải, do cam kết tại COP26 về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam không thể bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng. Việc duy trì mức thuế này cũng đồng nghĩa với việc từng bước điều chỉnh hành vi tiêu dùng, hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn mong muốn có lộ trình rõ ràng, minh bạch trong chính sách thuế, cũng như các biện pháp điều hành giá linh hoạt, phù hợp với biến động thị trường. Việc giảm VAT có thể trở thành công cụ hiệu quả nếu đi kèm với các chính sách đồng bộ về ổn định cung cầu, đầu tư hệ thống dự trữ, kiểm soát chi phí phân phối và hạn chế thao túng giá.
Nói cách khác, giảm thuế chỉ là phần ngọn. Gốc rễ vẫn là quản trị hiệu quả chuỗi cung ứng xăng dầu, từ khâu nhập khẩu, tồn kho, đến phân phối và minh bạch giá cơ sở. Nếu làm tốt, người dân và doanh nghiệp không chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn, mà còn góp phần xây dựng một thị trường năng lượng vận hành theo cơ chế thị trường thực chất – điều mà nền kinh tế đang cần hơn bao giờ hết.
Việc giảm thuế VAT xăng dầu là bước đi đúng hướng trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân cần thêm hỗ trợ để phục hồi sau chuỗi khó khăn kéo dài. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả bền vững, chính sách này cần song hành với các giải pháp tổng thể về quản lý giá, ổn định nguồn cung và cải cách thị trường năng lượng. Đây chính là chìa khóa để xăng dầu không chỉ là chi phí mà còn trở thành công cụ điều tiết và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.