Bài liên quan |
Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nhựa dùng một lần, túi ni lông |
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát có đường: Nếu không hành động sẽ phải trả giá |
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho biết, hiện nay xăng dầu – một loại nhiên liệu hóa thạch thiết yếu – đang đồng thời chịu hai loại thuế là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt đang được áp ở mức 10% đối với xăng khoáng, 8% đối với xăng sinh học E5 và 7% đối với E10. Trong khi đó, dầu diesel và một số loại nhiên liệu khác không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng vẫn chịu thuế bảo vệ môi trường.
Theo ông Khải, xăng dầu là mặt hàng có tính thiết yếu cao, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, vận tải và sinh hoạt hằng ngày. Dù nhận thức về tác hại môi trường của việc sử dụng xăng là rõ ràng, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ loại nhiên liệu này vẫn rất lớn và chưa thể giảm mạnh trong ngắn hạn. Việc đồng thời áp thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường khiến chi phí tăng cao, tạo áp lực trực tiếp lên giá thành sản phẩm và chỉ số lạm phát.
![]() |
Bộ trưởng Tài chính nêu lý do cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu |
Đại biểu cũng nhấn mạnh rằng mức chênh lệch thuế giữa các loại xăng hiện nay chưa đủ để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh học. Ví dụ, mức giá xăng E5-RON92 và RON95 hiện nay chỉ chênh nhau khoảng vài trăm đồng, không tạo ra sự hấp dẫn đáng kể đối với người tiêu dùng. Do đó, ông đề xuất giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học E5 và E10, có thể về mức 5% và 3%, hoặc thậm chí miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại nhiên liệu sạch thế hệ mới như hydrogen xanh.
Cùng với chính sách thuế, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có chiến lược dài hạn để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất ethanol trong nước, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho xăng sinh học, qua đó giúp chính sách ưu đãi thuế phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) tiếp tục phân tích: hiện nay xăng là mặt hàng duy nhất đồng thời chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Trong khi đó, dầu diesel có tính chất sử dụng tương tự lại chỉ chịu một loại thuế.
Ông nhấn mạnh rằng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường đều mang tính chất điều tiết tiêu dùng, nhưng khác nhau về mục đích. Thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng đối với các mặt hàng cần hạn chế sử dụng do ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, xã hội hoặc môi trường, còn thuế bảo vệ môi trường chủ yếu nhằm khắc phục tác động ô nhiễm phát sinh trong quá trình sử dụng hàng hóa.
Theo ông Đồng, khi ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, xăng được xếp vào diện chịu thuế vì chưa có khung pháp lý riêng về môi trường. Nhưng đến nay, khi Luật Thuế bảo vệ môi trường đã đi vào thực tiễn, việc tiếp tục đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cần được đánh giá lại một cách toàn diện, tránh tình trạng một mặt hàng phải “gánh” quá nhiều tầng thuế mà không rõ ràng về mục tiêu.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là chính sách cần thiết để khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng cần cân nhắc kỹ khi thực hiện vì xăng dầu là đầu vào thiết yếu của nền kinh tế. Nếu mức thuế quá cao sẽ gây áp lực chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa và đời sống người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp.
Ông Thông đề nghị các cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tổng thể để đảm bảo hệ thống thuế không chồng chéo, mâu thuẫn và đảm bảo công bằng trong điều tiết thuế giữa các mặt hàng có tính chất tương tự.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng không phải là chính sách mới. Việt Nam đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng từ năm 1998 và điều này là phù hợp với điều kiện phát triển từng thời kỳ cũng như xu hướng quốc tế.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh đến cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, việc điều chỉnh chính sách thuế nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng sạch là điều cần thiết và cấp bách. “Trong bối cảnh Việt Nam còn nhiều khó khăn, không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng gây phát thải nhiều như xăng,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng phân tích rằng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường là hai loại thuế khác nhau, có mục tiêu riêng biệt. Trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt hướng đến điều tiết hành vi và tăng thu ngân sách, thì thuế bảo vệ môi trường nhằm tạo nguồn tài chính để khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường gây ra. Cách tiếp cận này cũng đang được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển, nơi thuế hoặc phí môi trường được thiết kế chặt chẽ và đồng thời với thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngoài ra, so sánh mức thuế và phí của Việt Nam đối với xăng dầu với các nước trong khu vực và thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng vẫn đang ở mức thấp. Việc tiếp tục duy trì và điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với lộ trình hợp lý sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu kép: vừa bảo vệ môi trường, vừa ổn định ngân sách, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng năng lượng sạch.
Việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này cần được đặt trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế bền vững và cam kết quốc tế về giảm phát thải. Các đại biểu Quốc hội và cơ quan soạn thảo đều đồng thuận rằng cần sự đánh giá khách quan, khoa học, trên cơ sở thực tiễn để đảm bảo công bằng, hiệu quả và khả thi trong thực thi chính sách thuế.