Ứng dụng thực tiễn của tín chỉ carbon đối với nền kinh tế. Bài III: Quy trình cấp phát và giao dịch tín chỉ carbon

07:52 13/06/2024

Trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu, tín chỉ carbon là công cụ để giảm thiểu khí thải và tạo ra cân bằng giữa việc gây ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Việc cấp phát và giao dịch tín chỉ carbon là một quy trình rất quan trọng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Điều kiện giao dịch carbon trên thị trường

Để tạo điều kiện cho việc giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường, các cơ quan chức năng đã phát triển một cơ chế khuyến khích tổ chức và cá nhân tham gia vào các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý chính về tín chỉ carbon tại Việt Nam, chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành các quy định liên quan đến tín chỉ carbon. Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức thực hiện các hoạt động trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon, cũng như quản lý sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Các quy định về tín chỉ carbon tại Việt Nam được quy định trong các văn bản pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, cùng với Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Điều này nhấn mạnh sự cam kết của Việt Nam trong việc giảm phát thải và bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính như tín chỉ carbon.

Trong quá trình bắt đầu bằng việc xác định dự án có khả năng giảm lượng khí thải và tạo ra lợi ích môi trường, dự án này có thể liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý rừng, xử lý chất thải hay các hoạt động công nghiệp khác. Dự án được đánh giá về khả năng giảm thiểu khí thải và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, sau đó được chứng nhận bởi một tổ chức chứng nhận độc lập.

Do đó, sau khi dự án đã được chứng nhận, tín chỉ carbon được cấp phát cho nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu của dự án. Mỗi tín chỉ carbon thường tương đương với một tấn khí thải CO2 đã giảm bớt. Quá trình cấp phát này đảm bảo rằng các dự án giảm thiểu khí thải thực sự nhận được giá trị tài chính cho công sức của mình.

Vậy nên, tín chỉ carbon có thể được phát hành bởi một tổ chức chứng nhận hoặc thông qua các sàn giao dịch tài chính carbon. Quá trình phát hành này cho phép tín chỉ carbon được chuyển đổi thành một đơn vị tài chính có thể giao dịch trên thị trường.

Tín chỉ carbon có thể được mua bán và giao dịch trên thị trường carbon. Các doanh nghiệp hoặc tổ chức có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải của họ hoặc để đạt được mục tiêu giảm thiểu khí thải nhà kính. Thị trường carbon cung cấp một nền tảng để giao dịch tín chỉ carbon, trong đó giá trị của chúng được xác định bởi sự cân bằng giữa cung và cầu.

Quy trình cấp phát và giao dịch tín chỉ carbon được tuân thủ và giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và đáng tin cậy. Các tổ chức chứng nhận và các cơ quan quản lý quốc gia có trách nhiệm kiểm tra và đảm bảo rằng các dự án carbon tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, Quy trình cấp phát, phát và giao dịch tín chỉ carbon đã đóng góp đáng kể vào việc khuyến khích giảm thiểu khí thải và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Nó tạo ra sự khích lệ cho các dự án và hoạt động có tính thân thiện với môi trường, đồng thời tạo ra cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực tài chính carbon.

Tuy nhiên, quy trình này cũng đòi hỏi sự giám sát và quản lý chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả. Các tổ chức chứng nhận và cơ quan quản lý cần có vai trò quan trọng trong việc đánh giá và chứng nhận các dự án carbon và đảm bảo rằng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế được tuân thủ.

Quy định về ghi nhận và xác nhận tín chỉ carbon ở Việt Nam

Việt Nam, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đã xác định mục tiêu và cam kết rõ ràng về giảm lượng carbon thải nhằm ứng phó với thách thức này.

Mục tiêu chung của Việt Nam là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, quốc gia này cũng đã đề ra các mục tiêu cụ thể: giảm 27% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030; và giảm 45% lượng phát thải khí nhà kính vào cùng thời điểm, nếu có sự hỗ trợ quốc tế về tài chính và công nghệ.

Để thực hiện những mục tiêu này, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc phát triển thị trường tín chỉ carbon. Thị trường này được xem là một cơ chế kinh tế quan trọng để khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính.

Tại Việt Nam, thị trường tín chỉ carbon đang trong giai đoạn thí điểm, với mục tiêu thí điểm thành công vào năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028.

Sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon không chỉ giúp giảm lượng carbon thải mà còn đóng góp vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Nó cũng tạo ra cơ hội cho các tổ chức và doanh nghiệp giảm chi phí phát thải, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển bền vững.

Quy trình ghi nhận và xác nhận tín chỉ carbon thường đi qua bốn bước chính. Bước đầu tiên là đánh giá khả năng tạo tín chỉ carbon, bao gồm loại dự án, quy mô và lượng khí nhà kính dự kiến được giảm thiểu hoặc loại bỏ. Tiếp theo là đo lường và báo cáo lượng khí nhà kính, sau đó là thẩm định tính xác thực của dữ liệu thu thập. Cuối cùng là việc xác nhận tín chỉ carbon bằng cách cấp giấy chứng nhận cho dự án.

Để đảm bảo tính chính xác và thống nhất của các phép đo, lượng khí nhà kính thường được đo lường theo các tiêu chuẩn và phương pháp quy định. Tại Việt Nam, Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải. Thông tư này cụ thể hóa các tiêu chuẩn và phương pháp đo lường carbon cho các lĩnh vực như làng nghề và sản xuất nông nghiệp, xử lý và tái chế chất thải, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, và tài nguyên thiên nhiên. Ghi nhận và xác nhận tín chỉ carbon là quy trình quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng và tuân thủ các quy định pháp luật cũng như tiêu chuẩn quốc tế.

Vậy nên, bằng cách mua tín chỉ carbon từ các dự án giảm thiểu phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn có thể bù đắp cho lượng khí thải mà chính họ tạo ra. Các dự án giảm thiểu này có thể bao gồm việc trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, và giảm thiểu chất thải.

Thông qua việc sử dụng tín chỉ carbon để bù đắp, doanh nghiệp có thể tránh được các khoản phạt về việc vượt quá hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Điều này không chỉ giúp họ thúc đẩy sự bảo vệ môi trường mà còn tạo ra một ảnh hưởng tích cực đối với hành vi kinh doanh của mình.

Nghệ Nhân