Tư vấn pháp lý để tránh “sập bẫy” lừa đảo thương mại quốc tế

14:19 08/12/2023

Tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" lừa đảo để chiếm đoạt tài sản trong giao dịch thương mại quốc tế gia tăng ở mức đáng cảnh báo.

Ảnh minh họa

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, thực tế này là do doanh nghiệp bất cẩn, chưa quan tâm đúng mức tới an toàn pháp lý trong quá trình giao thương.

Bài học đắt giá từ các cú lừa triệu USD

Theo cảnh báo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), hiện nay các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm, giá trị trung bình một vụ lừa đảo khoảng 1,7 triệu USD. Tình trạng lừa đảo trong thương mại quốc tế diễn ra ngày càng phổ biến, xảy ra từ thị trường nhỏ lẻ châu Phi cho đến các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, châu Âu (Hà Lan, Italia, Na Uy...). Trong đó, nhiều bài học đắt giá xảy ra đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) chia sẻ, kinh nghiệm, bài học đắt giá từ vụ việc hơn 70 container hạt điều bị chiếm đoạt ở Italia. Theo ông Bạch Khánh Nhựt, các tổ chức lừa đảo quốc tế nghiên cứu kỹ về tâm lý người Việt Nam. Hơn 70 container hạt điều được đặt hàng ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Các container đều là hàng cao cấp rất khó tiêu thụ, vì vậy đơn hàng lớn được rải đều cho 6 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhận đơn hàng lớn nhất là hơn 40 container với trị giá gần 5 triệu USD.

Trong quá trình giao dịch, mặc dù có nghi ngờ về việc doanh nghiệp đặt số lượng hàng lớn, giá trị cao hơn bình thường. Tuy nhiên, phía nhà nhập khẩu trả lời là Chính phủ Italia hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19, nếu có đơn hàng lớn sẽ được hỗ trợ tín dụng, nên doanh nghiệp Việt Nam đã tin và bỏ qua yếu tố kiểm tra thêm và “sa bẫy”. Sau rất nhiều công sức, hỗ trợ từ cơ quan chức năng của nhà nước, hiệp hội, đại sứ quán Italia…, doanh nghiệp Việt Nam đã tránh được thiệt hại mức cao nhất.

Ông Cao Xuân Thanh - đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cũng chia sẻ, có không ít doanh nghiệp do quá tin tưởng đối tác, trong khi nhiều trường hợp đối tác đã phá sản, doanh nghiệp Việt do thiếu đơn hàng vẫn xuất hàng dẫn đến chậm trả hoặc không thanh toán được tiền hàng.

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, hiện đang gặp một “ca khó” đó là 5 container hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi đã bị lừa đảo tại thị trường Dubai. Sau đó nhờ sự hỗ trợ can thiệp của các cơ quan chức năng, 4 container với giá trị hơn 400.000 USD đã được lấy lại, nhưng vẫn còn 1 container hàng đang ở Dubai chưa giải quyết được. "Trong khi đó, doanh nghiệp phải tốn khoảng 60.000 - 70.000 USD để theo đuổi vụ kiện, chi trả chi phí lưu kho cho lô hàng này” - bà Hoàng Thị Liên chia sẻ.

Doanh nghiệp dễ “làm mồi” cho lừa đảo

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mỗi năm các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu vì lừa đảo. Còn theo khảo sát của Công ty kiểm toán PwC Việt Nam, 52% số doanh nghiệp Việt Nam cho biết, đã từng phải trải nghiệm bị lừa đảo quốc tế.

Trao đổi với PV TBTCVN về thực tế nêu trên, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, không ít doanh nghiệp xuất khẩu đã phải đối diện với nguy cơ bị lừa gạt, chịu thiệt hại tài sản (tiền, hàng) khi chủ quan và thiếu hiểu biết về đối tác của mình trong các giao dịch xuyên biên giới. Nhiều doanh nghiệp đã bị "trả giá đắt" trên thương trường quốc tế do bất cẩn, "suýt" bị mất trắng hàng hoá và chi phí xuất hàng như vụ việc hạt điều với trị giá hàng chục triệu USD được xuất khẩu sang Italia hồi tháng 3/2022. Các vụ việc này đặt ra một bài học kinh nghiệm to lớn cho các doanh nghiệp khi tham gia ký kết hợp đồng thương mại.

TS. Vũ Tiến Lộc phân tích, trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam hiện nay mới chú ý đến các vấn đề thương mại, lợi nhuận của từng thương vụ kinh doanh, rất coi nhẹ vấn đề pháp lý. Các vụ việc bị lừa đảo xảy ra gần đây đều có đặc điểm giống nhau, đó là doanh nghiệp ký kết và sử dụng những phương thức thanh toán không an toàn, không có sự tư vấn pháp lý trong hoạt động thương mại. Chính vì vậy, khi ký kết hợp đồng kinh tế, thương mại, doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến vấn đề giá cả, chất lượng sản phẩm mà phải chú ý đến hình thức hợp đồng, xác minh, kiểm tra đối tác.

"Để tránh rủi ro, doanh nghiệp cần nhờ luật sư, hoặc có sự tư vấn pháp lý của các cơ quan chuyên môn, trọng tài kinh tế, để phòng tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc trong thời gian qua" - TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng khuyến cáo, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến khâu thanh toán. Theo ông Lễ, từ vụ việc đã xảy ra, không thể làm tắt trong giao dịch thương mại quốc tế. Doanh nghiệp nên thông qua tổ chức đánh giá tín nhiệm, hoặc các tổ chức tư vấn doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để xác minh năng lực đối tác.

Điểm yếu trong giao thương

Theo các chuyên gia kinh tế, có thể rút ra 3 điểm yếu mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải và cần chú ý đó là: vấn đề pháp lý, điều khoản ký kết hợp đồng, phương thức thanh toán. Để năng cao kỹ năng phòng tránh rủi ro, doanh nghiệp cần chủ động tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực pháp lý. Khi gặp sự vụ vướng mắc về pháp lý, có thế liên hệ các bộ, ngành, VCCI, VIAC để được trợ giúp kịp thời.

ÔNG HOÀNG MINH CHIẾN - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI, BỘ CÔNG THƯƠNG:

Hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng chống lừa đảo từ sớm

Ảnh minh họa
Ông Hoàng Minh Chiến.

Trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Phòng vệ Thương mại tiếp tục phối hợp với hệ thống thương vụ theo dõi chặt chẽ biến động thị trường, chính sách thương mại, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng chống lừa đảo từ sớm. Đồng thời, hướng dẫn và hỗ trợ tối đa các hiệp hội, doanh nghiệp trong xử lý tranh chấp thương mại, lừa đảo thương mại khi xảy ra. Tiếp thu và tổng hợp các kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng, tăng cường phối hợp với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp xúc, tìm hiểu và đánh giá đối tác để phát triển quan hệ đối tác ổn định, tin cậy. Khi gặp trường hợp rủi ro xảy ra doanh nghiệp cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng của Bộ Công thương, các thương vụ tại nước ngoài và cơ quan chức năng ở nước sở tại để có hướng dẫn cụ thể./

ÔNG NGUYỄN ĐỨC THANH - THAM TÁN CÔNG SỨ ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT TẠI TẠI ITALIA:

Cẩn trọng trong giao dịch, chọn phương thức thanh toán an toàn

Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Đức Thanh.

Trong bối cảnh cạnh tranh trong bán hàng ngày càng gay gắt hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt thường "nóng vội", dẫn đến đàm phán và đưa ra các điều khoản không có lợi, "bị hớ" trong hợp đồng ngoại thương liên quan đến phương thức thanh toán, % đặt cọc hoặc điều kiện giao hàng. Chính vì vậy, để tránh rủi ro, doanh nghiệp cần soạn thảo hợp đồng ký kết phù hợp với năng lực công ty mình, với phương thức thanh toán hợp lý, bởi không có phương thức thanh toán nào hoàn hảo, đều có rủi ro nhất định. Doanh nghiệp xuất khẩu nên yêu cầu người mua đặt cọc 10% để chứng minh họ có tài khoản tại ngân hàng - đây là bằng chứng chứng minh người mua. Doanh nghiệp nên chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn, giao bộ chứng từ. Việc này tuy sẽ mất thêm một khoản phí, nhưng giảm bớt nguy cơ về sau./

Song Linh