Sức khỏe của thị trường bất động sản đang suy yếu
Bình luận về những khó khăn của lĩnh vực bất động sản trong thời gian qua, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, các từ khóa được doanh nghiệp, nhà đầu tư và truyền thông nói nhiều về thị trường bất động sản hiện nay là: Thiếu nguồn cung, giảm cầu, thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương, thiếu vốn.
“Điều này cũng chứng tỏ, sức khoẻ của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang rất suy yếu. Suy yếu từ quy mô, số lượng, nhân sự và cả tiềm lực tài chính”, ông Đính nói.
Theo khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chỉ khoảng 23% doanh nghiệp có thể “cầm cự” được hết quý III năm nay nếu không có các chính sách điều hành vĩ mô với sự tác động mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo ông Đính, thị trường đã có những chuyển biến tích cực. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, từ chỗ nguồn cung trong quý I sụt giảm nghiêm trọng, gần như đứng im, chỉ có hơn 1.000 giao dịch, sang tới quý II đã có sự chào bán trở lại với trên 200 sản phẩm và có khoảng 3.700 giao dịch thành công; sang đến quý III đã có hơn 5.000 giao dịch thành công và 300 dự án trên toàn quốc đã ra hàng mở bán.
“Những điều này cho thấy, điều hành của Chính phủ đã có những kết quả bước đầu. Trong thời gian tới cần đẩy nhanh hơn việc hoàn thiện các luật, các cơ chế, chính sách”, TS. Nguyễn Văn Đính kỳ vọng.
Trong khi đó, PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, thị trường bất động sản hiện nay đang ở thời điểm “lên chưa lên mà xuống cũng không xuống”, nhưng cơ hội chắc chắn nhiều hơn thách thức. Trong đó, cơ hội lớn nhất là Việt Nam đang hoàn thiện các quy hoạch và pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản. Cùng với đó, mối quan hệ Việt - Mỹ đã được nâng cấp.
Theo ông Chung, thị trường bất động sản sẽ chỉ tốt lên vì đây là thời điểm khó khăn lớn nhất. Tuy nhiên, tốt lên như thế nào phụ thuộc rất lớn vào tháng 11 tới đây, khi các luật quan trọng đối với lĩnh vực bất động sản như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sẽ được sửa đổi và thông qua.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản “bỏ cuộc chơi”
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, cả nước có 12.684 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 9,7% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; 5.808 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,2% và tăng 13,5%; 4.124 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 20,4% và tăng 40,5%; 5.273 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 1,1% và tăng 25,9%; 1.441 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,8% và giảm 4,9%.
Tính chung trong 9 tháng năm 2023, cả nước có 116,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; 48,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2%; 75,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%; 46,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%.
Đáng chú ý, lĩnh vực bất động sản dẫn đầu về sự tụt giảm số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Theo thống kê trong 7 tháng đầu năm nay, lĩnh vực bất động sản có 2.622 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tới giảm 56,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản giải thể trong 7 tháng là 756 doanh nghiệp, cũng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia nhận định, các số liệu này phản ánh đúng tình hình khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay. Thời kỳ đỉnh cao của doanh nghiệp bất động sản đã qua nên số lượng thành lập mới đang tụt giảm mạnh. Thậm chí, số doanh nghiệp phải “bỏ cuộc chơi” trong thời gian tới cũng sẽ gia tăng.
Theo nhiều báo cáo gần đây, dễ thấy, các khoản doanh thu tài chính không còn xuất hiện hoặc không đủ để bù đắp cho hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Trong danh sách doanh nghiệp bất động sản niêm yết có vốn hóa lớn công bố kết quả kinh doanh, chỉ có Vinhomes và Nam Long Group cho thấy tín hiệu lạc quan hiếm hoi khi đón dòng tiền bàn giao từ các dự án trọng điểm. Với Vinhomes, tổng doanh thu thuần 6 tháng đạt 62.100 tỉ đồng, tăng 364% so với cùng kỳ năm 2022 nhờ bàn giao 5.400 căn bất động sản thấp tầng tại một dự án ở Hà Nội. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 21.600 tỉ đồng, tăng 295% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 72% kế hoạch năm.
Nam Long Group đạt 231 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần đạt 1.118 tỉ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 248 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Trong khi đó những ông lớn khác như Novaland, Phát Đạt, Đất Xanh, An Gia, LDG,… đều chấp nhận công bố tình trạng suy yếu về sức khỏe tài chính trong nửa năm qua. Dòng tiền từ bán nhà hầu như không được bổ sung, một vài doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính nhưng cũng không đủ để bù đắp vào các chỉ số lợi nhuận.
Nghệ Nhân