TS. Nguyễn Tú Anh: Môi trường lãi suất cao khiến người muốn khởi nghiệp chùn bước

17:08 11/05/2023

Theo TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, môi trường lãi suất cao đang ảnh hưởng nặng và mạnh nhất đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Ảnh minh họa
TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

"Môi trường lãi suất cao không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện hành mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp, nhu cầu thành lập doanh nghiệp vì lãi suất cao sẽ làm cho chi phí khởi nghiệp tăng khiến người muốn khởi nghiệp chùn bước", ông Nguyễn Tú Anh cho biết.

Kinh tế Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn như sự "ảm đạm" của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu trong quý IV/2022.

Trong quý đầu năm 2023 cho thấy sự sụt giảm mạnh về tăng trưởng. Kinh tế quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ và giảm 14,17% so với quý liền kề trước. Tăng trưởng của các trung tâm kinh tế lớn của cả nước đều sụt giảm mạnh.

Nhìn vào biểu đồ về tốc độ tăng trưởng GDP, tăng trưởng GDP quý I, II, III năm 2022 có vẻ ổn nhưng đến quý IV thì giảm mạnh do đơn hàng sụt giảm, sản xuất suy giảm, liên tục dưới 50 điểm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Tú Anh còn cho biết: "Lãi suất trung bình của các ngân hàng lên tới 12-13% thậm trí có ngân hàng cho vay với lãi suất bình quân lên đến hơn 14,6%". Theo đó, lãi suất bắt đầu tăng từ tháng 7/2022 cho đến tháng 2/2023 lãi suất vẫn tiếp tục được neo cao.

Mức lãi suất cho vay bình quân từ khoảng 9-10% là rất cao và làm xói mòn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo NHNN, dư nợ tín dụng bình quân trong cả năm 2022 là 1,13 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân là 10% thì riêng chi phí lãi vay mà doanh nghiệp và người dân phải chịu ít nhất là 1,13 triệu tỷ đồng, tương đương với 12% GDP của Việt Nam năm 2022.

Ông Anh so sánh, Trung Quốc từ khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì lãi suất cho vay của nước này liên tục giảm và giảm khá nhanh. Qua đó, lãi suất thực sự giúp các doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch. So với doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu chi phí lãi vay cao gấp 3 lần Trung Quốc khiến cơ hội doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh so với nước bạn là hoàn toàn không có.

Ông Tú Anh cho rằng nhiều người có quan điểm cần kiểm soát tín dụng để kiểm soát lạm phát là không chính xác. Cung tiền mới là yếu tố quan trọng trong điều hành lạm phát chứ không phải là tín dụng. Từ năm 2020 tăng trưởng cung tiền xuống rất thấp, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức chấp nhận được dù chúng ta nhập khẩu lạm phát rất nhiều. 

Một yếu tố nữa là từ năm 2011-2020 Việt Nam chủ yếu là thặng dư cán cân vãng lai, tức là Việt Nam là nước xuất khẩu vốn. Trong hai năm 2021 và 2022 do phải chi phí cho nhập khẩu thuốc và thiết bị phòng chống dịch COVID-19 và chi phí vận tải tăng vọt nên cán cân vãng lai trở nên bị âm. Nhưng về xu hướng dài hạn thì Việt Nam sẽ vẫn thặng dư cán cân vãng lai và vẫn là nước xuất khẩu vốn.

Theo đó, vị chuyên gia này nhận định, Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất khi ở vị thế một nước xuất khẩu vốn.

Vũ Quý