TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần ngăn chặn rủi ro từ bất động sản lan sang hệ thống tài chính ngân hàng

16:04 19/04/2023

“Toàn bộ những tác động của thị trường bất động sản xấu hay tốt đều đánh thẳng vào chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tại hội thảo về bất động sản: Gỡ vướng địa ốc, thúc đẩy tăng trưởng, do báo Đầu Tư tổ chức ngày 19-4, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia đánh giá, vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay không còn là vướng mắc mà nó đang ngày càng trở thành ngòi nổ của khủng hoảng kinh tế. Mỗi khi thị trường lao dốc như thời gian vừa qua sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Ông Nghĩa phân tích, bất động sản là một ngành quan trọng và có độ lan tỏa rất cao. Thống kê các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ trước đến nay chỉ bắt nguồn từ ba nguyên nhân, một là tỷ giá hối đoái, hai là bất động sản và ba là sự kết hợp của cả hai nguyên nhân này. Tuy nhiên, phần lớn các cuộc khủng hoảng trong vòng 10 - 15 năm trở lại đây đều bắt nguồn từ bất động sản.

Ông Nghĩa cho rằng, đối với những vấn đề đang tồn tại của thị trường bất động sản Việt nam thì phải vừa tìm cách phục hồi, vừa ngăn chặn rủi ro lan sang hệ thống tài chính ngân hàng. Bởi nếu khủng hoảng xảy ra, người gửi tiền sẽ “xuống đường”.

Do đó, theo tôi, chúng ta phải tranh thủ thời gian và phải làm thật nhanh. Tôi muốn nói với các nhà hoạch định chính sách rằng, vấn đề hiện nay không chỉ là vướng mắc mà có thể là một vực thẳm”, chuyên gia nhấn mạnh.

Hai vấn đề còn lại với thị trường bất động sản hiện nay theo chuyên gia này là cấu trúc của doanh nghiệp bất động sản. Những doanh nghiệp đang điêu đứng hiện nay là những doanh nghiệp không nắm trong tay ngân hàng. Chúng ta có hàng ngàn doanh nghiệp bất động sản nhưng chỉ có dăm doanh nghiệp nắm trong tay ngân hàng là tương đối ổn. Họ có ngân hàng trong tay nên có thể tái cấu trúc nợ xấu, có thể cho vay mới, đảo nợ. Còn những doanh nghiệp không có ngân hàng trong tay không làm được nên chính sách gỡ vướng cũng cần tập trung vào những doanh nghiệp không nắm ngân hàng, chứ không nên tháo gỡ chung chung.

Một đối tượng nữa cần phải chú ý, theo vị này đó là những nhà đầu tư đang vay tiền của ngân hàng. Bởi hiện nay giá cả tài sản thế chấp giảm xuống mức rất thấp, nợ ngân hàng rất lớn. Và tất nhiên khi rủi ro xảy ra thì cả họ và ngân hàng đều phải gánh chịu.

“Cuối cùng toàn bộ những tác động của thị trường bất động sản xấu hay tốt đều đánh thẳng vào chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng. Do đó, những khó khăn của bất động sản hiện nay không chỉ phải giải quyết về vốn mà còn là pháp lý và cao hơn nữa là chống khủng hoảng. Mọi thứ chưa tới bờ vực nhưng phải hành động thật nhanh, nếu không sẽ phanh không kịp”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

PV