Truyền thông chính sách

22:46 07/12/2022

Về truyền thông chính sách, ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng đây phải là kênh cung cấp thông tin chính xác, khách quan và kịp thời cho công chúng, tạo điều kiện cho công chúng tham gia vào quy trình ban hành chính sách.

Ảnh minh họa

Trước tiên, ông Nguyễn Sỹ Dũng giải nghĩa, “Quy trình chính sách” là các bước để ban hành và thực thi một chính sách, trong đó được phân có thể thành 6 giai đoạn bao gồm: Xác định vấn đề; Đưa vấn đề vào nghị trình; Thiết kế giải pháp; Thông qua; Thực thi; Đánh giá để sửa đổi, bổ sung.

Trong đó, TS Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh, việc xác định, xây dựng chính sách phải theo các vấn đề phát sinh chứ không theo mong muốn chủ quan và cần được xử lý theo thứ tự ưu tiên. Quá trình này cần có các số liệu, nghiên cứu cụ thể và các thông tin từ báo chí, dư luận mang tính tham khảo.

Sau khi thúc đẩy để đưa được vấn đề vào nghị trình, cần dựa trên các nghiên cứu cụ thể để đưa ra giải pháp cho vấn đề đó và chính sách cần bám sát yêu cầu “nguyên nhân nào thì giải pháp đó”, tránh sự nhồi nhét, khó thực thi.

“Cũng như thuốc, mỗi giải pháp chính sách đều có phản ứng phụ, vấn đề là phải dự đoán được và đảm bảo ít hơn hiệu quả của chính sách đó. Ngoài ra, các phương án thiết kế giải pháp cũng phải giảm thiểu phản ứng phụ nói trên”, TS Nguyễn Sỹ Dũng chia sẻ thêm.

Ngoài ra, ông cũng giải thích về các vấn đề thông qua và thực thi các chính sách và sau đó là đánh giá để bổ sung, sửa đổi các chính sách với sự trợ giúp của những công cụ đo đếm, phương pháp khoa học.

Ông Dũng nói: “Mỗi chính sách đều có tuổi đời và cần đánh giá để thay đổi cho phù hợp, khó có chính sách nào đúng mãi”.

Riêng về truyền thông chính sách, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng đây phải là kênh cung cấp thông tin chính xác, khách quan và kịp thời cho công chúng, tạo điều kiện cho công chúng tham gia vào quy trình ban hành chính sách.

Theo ông, quy trình chính sách là một công nghệ làm chính sách và nếu công nghệ tốt thì sản phẩm là các chính sách sẽ tốt. Do đó, cần có sự phân công, phối hợp giữa chính trị của chính sách với kỹ thuật của chính sách, tránh bị lẫn lộn, dễ ảnh hưởng tiêu cực đến quy trình chính sách.

Thêm một điểm lưu ý nữa mà ông Nguyễn Sỹ Dũng gửi đến Bộ NN-PTNT tại buổi trao đổi về “Xây dựng và truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật” chiều ngày 7/12, đó là với các chính sách nên hướng đến khái niệm truyền thông công chúng hơn là bó hẹp trong truyền thông chính sách. "Bộ NN-PTNT cần có đơn vị chuyên trách, chuyên nghiệp để đảm bảo hoạt động truyền thông công chúng và cần đầu tư ngân sách đầy đủ, xem đây là một chức năng quan trọng của Bộ", ông Dũng nhấn mạnh.

Thanh Hà t/h