Quốc hội bàn chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù tại các địa phương sau sáp nhập Mở rộng cao tốc Bắc – Nam: Doanh nghiệp xin làm, không xin tiền |
Tại các công trường tuyến cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh và Hòa Liên - Túy Loan, không khí lao động diễn ra khẩn trương. Các đơn vị thi công đang nỗ lực bám sát tiến độ để kịp hoàn thành, đưa công trình về đích đúng dịp Quốc khánh 2/9 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trên tuyến cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận thi công hơn 23km. Tại đoạn “điểm nóng” dài gần 2,5km do vướng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhà thầu đã áp dụng chiến lược thi công “xa trước, gần sau”, tăng gấp đôi số mũi thi công, huy động hàng trăm nhân lực và máy móc hạng nặng. Mỗi ngày, đơn vị đạt sản lượng đào đắp lên đến 17.000-18.000m³, nhằm tạo mặt bằng đổ bê tông nhựa sớm nhất có thể.
Tập đoàn Phúc Lộc – nhà thầu thi công một phần tuyến chính và nút giao QL19B – đã đạt 73% khối lượng, dự kiến sẽ hoàn thành trước mốc 15-20 ngày. Đơn vị này huy động 200 nhân lực, hơn 100 thiết bị chia thành 5 mũi thi công, chủ động xử lý các vướng mắc mặt bằng bằng cách trực tiếp thỏa thuận với người dân.
![]() |
Tổng lực tăng tốc đưa ba tuyến cao tốc về đích dịp Quốc khánh 2/9 (Ảnh: Minh họa) |
Tại công trường tuyến Quy Nhơn - Chí Thạnh, các nhà thầu cũng đang bước vào giai đoạn nước rút. Gói thầu XL12 do Tập đoàn Đông Dương thi công đã đạt 80% sản lượng, phấn đấu về đích trước ngày 30/6/2025. Trong khi đó, gói thầu XL13 – gặp nhiều khó khăn do bàn giao mặt bằng muộn – cũng đang tăng tốc với sản lượng đạt hơn 60%.
Dự án nâng cấp mở rộng cao tốc Hòa Liên - Túy Loan tại Đà Nẵng tuy có giá trị xây lắp không lớn nhưng lại phức tạp về mặt bằng và vật liệu. Sau khi tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan đến mỏ vật liệu, tiến độ đang được đẩy mạnh. Nhà thầu đặt mục tiêu thông xe kỹ thuật vào ngày 19/8, rút ngắn đáng kể thời gian thi công so với hợp đồng.
Ban quản lý các dự án cao tốc đã quyết liệt điều chuyển một phần khối lượng thi công đối với những nhà thầu không đáp ứng tiến độ, điển hình là Công ty CP Hải Đăng tại dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh. Các đoạn đường găng như xử lý đất yếu và đào đá nền đường được xác định là ưu tiên tuyệt đối, yêu cầu thi công ban đêm, tăng cường thiết bị, đẩy nhanh tiến độ nổ mìn, bóc xúc.
Ông Bùi Trọng Lai – Giám đốc điều hành dự án – cho biết đến giữa tháng 5, sản lượng toàn tuyến Quy Nhơn - Chí Thạnh đạt hơn 74%. Còn tại tuyến Hoài Nhơn - Quy Nhơn, khối lượng thi công cũng vượt 72%, với hơn 86 mũi thi công, 500 thiết bị và gần 800 nhân lực được huy động.
Mấu chốt lớn nhất hiện tại là xử lý hơn 1 triệu m³ đất đá tại khu vực rừng tự nhiên thuộc Km18+650 - Km21+100. Nhà thầu Trường Sơn đang tập trung thi công liên tục ngày đêm để đảm bảo tiến độ thông xe.
Bộ Xây dựng đã cử lãnh đạo Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng liên tục có mặt tại hiện trường, phối hợp với địa phương và chủ đầu tư tháo gỡ các nút thắt về mặt bằng và thủ tục, đảm bảo các dự án có thể thông xe đúng hoặc vượt kế hoạch.
Theo thống kê, đến nay, cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã đưa vào khai thác 208km, thuộc 4 dự án thành phần. Ngoài 3 tuyến đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào dịp 2/9, trong tháng 6 tới, đoạn còn lại của tuyến Vân Phong – Nha Trang và các dự án Vũng Áng – Bùng, Vạn Ninh – Cam Lộ cũng sẽ thông xe tuyến chính.
Tuyến cao tốc Hoài Nhơn đến Quy Nhơn có chiều dài hơn 70 km, đi qua địa phận tỉnh Bình Định. Dự án được đầu tư với tổng kinh phí trên 12.400 tỷ đồng, hiện đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đúng hạn.
Cao tốc Quy Nhơn đến Chí Thạnh trải dài gần 62 km, kết nối hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Tổng mức đầu tư của dự án lên tới hơn 14.800 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc tăng cường kết nối khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Dự án mở rộng tuyến cao tốc Hòa Liên – Túy Loan có chiều dài 11,5 km, nằm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Với vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, tuyến đường này đóng vai trò nâng cao năng lực giao thông đô thị và liên vùng.
Việc đưa 3 tuyến cao tốc này về đích đúng dịp Quốc khánh 2/9 không chỉ có ý nghĩa về mặt biểu tượng mà còn góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực miền Trung.