Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu “về đích” sớm 3 tháng so với kế hoạch Đầu tư 1.581 tỷ đồng cho nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và ĐT.991 |
Chính phủ vừa trình Quốc hội điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) từ 17.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng, tức tăng thêm hơn 3.714 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam, có vai trò then chốt trong kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và các khu công nghiệp lớn tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo Tờ trình số 422/TTr-CP, kiến nghị Quốc hội xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư, lý do chính khiến tổng mức đầu tư dự án tăng mạnh là do chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tăng đột biến – từ mức dự kiến 6.629 tỷ đồng lên đến 9.856 tỷ đồng, tăng thêm gần 3.227 tỷ đồng.
Nguyên nhân là trong quá trình triển khai thực tế, công tác đo đạc, kiểm đếm và cập nhật diện tích đất bị ảnh hưởng đã được thực hiện chính xác hơn. Cùng với đó là biến động đơn giá đất, chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật và các yếu tố phát sinh tại thời điểm thu hồi đất năm 2023 khiến chi phí giải phóng mặt bằng đội lên cao hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.
![]() |
Chính phủ vừa có Tờ trình số 422/TTr – CP kiến nghị Quốc hội xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). |
Đặc biệt, việc bổ sung thêm nút giao liên thông với đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao (ĐT.991) cũng làm tăng chi phí đền bù và đầu tư xây dựng.
Ngoài chi phí đền bù, chi phí xây dựng cũng tăng thêm 487 tỷ đồng so với tính toán ban đầu, nâng tổng chi phí xây dựng lên 11.695 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do việc khảo sát chi tiết địa hình, địa chất, thủy văn đã phát hiện nhiều điểm yếu cần xử lý kỹ thuật để đảm bảo an toàn công trình.
Chủ đầu tư các dự án thành phần cũng đã phối hợp với các cơ quan quản lý hạ tầng để rà soát, điều chỉnh thiết kế, cập nhật đơn giá vật liệu, nhân công, máy móc theo thời điểm thực tế năm 2023. Bên cạnh đó, dự án còn bổ sung hạng mục trạm kiểm tra tải trọng xe theo quy chuẩn mới – QCVN 66:2024/BGTVT – nhằm đáp ứng tiêu chuẩn vận hành lâu dài.
Tổng mức vốn tăng thêm 3.714 tỷ đồng được kiến nghị phân bổ lại như sau:
Ngân sách nhà nước giai đoạn 2021–2025 tăng từ 14.270 tỷ đồng lên 17.124 tỷ đồng, tăng thêm 2.854 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách trung ương là 12.144 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 4.980 tỷ đồng, gồm tỉnh Đồng Nai góp 2.969 tỷ và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu góp 2.011 tỷ.
Ngân sách trung ương giai đoạn 2026–2030 tăng từ 3.567 tỷ lên 4.427 tỷ đồng, tăng thêm 860 tỷ đồng.
Phần vốn điều chỉnh này sẽ làm cơ sở để Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư và Bộ Kế hoạch – Đầu tư tiến hành cập nhật kế hoạch vốn trung hạn phù hợp.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 53,7 km, thiết kế tốc độ 100 km/h, quy mô từ 4 đến 6 làn xe, được chia làm 3 dự án thành phần:
Dự án thành phần 1: Dài 16 km, quy mô 4 làn xe, vốn đầu tư sau điều chỉnh là 6.693 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường chiếm 3.481 tỷ đồng. UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 2: Dài 18,2 km, quy mô 4–6 làn xe, tổng mức đầu tư 7.642 tỷ đồng, chi phí bồi thường khoảng 2.354 tỷ đồng. Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) quản lý.
Dự án thành phần 3: Dài 19,5 km, quy mô 4 làn xe, tổng đầu tư 7.216 tỷ đồng, chi phí bồi thường khoảng 4.021 tỷ đồng. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phụ trách.
Dự án được khởi công từ năm 2023, dự kiến cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ trong năm 2026. Đây là tuyến cao tốc đóng vai trò kết nối trực tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cụm cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải, góp phần giảm tải cho quốc lộ 51, thúc đẩy phát triển công nghiệp – logistics cho toàn khu vực Đông Nam Bộ.