Đề xuất mở rộng cao tốc Bắc – Nam phía Đông lên 6 làn xe VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không lãi suất cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam |
Tập đoàn Đèo Cả vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017–2020 bằng phương thức đối tác công – tư (PPP). Đáng chú ý, nhà đầu tư này cam kết không sử dụng ngân sách nhà nước, tự thu xếp tài chính và sớm khởi công dự án ngay trong năm 2025 nếu được giao thực hiện.
Theo nội dung đề xuất, Đèo Cả kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp với các bộ, ngành liên quan để xem xét giao tập đoàn phối hợp với Bộ Xây dựng chọn lựa đoạn tuyến phù hợp nhằm triển khai đầu tư mở rộng từ 4 làn xe hiện tại lên 6 làn xe đúng theo quy hoạch.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, Đèo Cả khẳng định, nếu được giao làm nhà đầu tư dự án, tập đoàn sẽ sử dụng 100% nguồn vốn hợp pháp trong nước, không huy động từ ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo cân đối nguồn thu để hoàn vốn và đóng góp cho ngân sách trong quá trình khai thác.
![]() |
Tập đoàn Đèo Cả đề xuất mở rộng cao tốc Bắc – Nam, không cần ngân sách nhà nước. |
Tập đoàn cũng đề xuất kết hợp giữa vốn đầu tư công và vốn PPP nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư. Theo tính toán sơ bộ, việc đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam (hơn 1.100km) bằng phương thức PPP có thể giúp tiết kiệm hơn 152.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Riêng với 5 đoạn tuyến dài 356km thuộc giai đoạn 2017–2020, con số tiết kiệm ước tính khoảng 37.000 tỷ đồng.
Đây là những đoạn tuyến đã hoàn thành nhưng chưa thu phí, và vẫn ở quy mô hạn chế. Việc sớm nâng cấp sẽ không chỉ giúp giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn mà còn tận dụng tối đa hiệu quả đầu tư ban đầu.
Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện”, cam kết nếu được giao nhiệm vụ, sẽ khởi công dự án đúng tiến độ, chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2025) và tiến tới chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Với bề dày kinh nghiệm triển khai các dự án giao thông quy mô lớn theo phương thức PPP như hầm Đèo Cả, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận..., Đèo Cả đã chứng minh năng lực trong việc thu hút vốn xã hội hóa, đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công bằng công nghệ tiên tiến. Chính vì vậy, đề xuất này được xem là lời khẳng định vị thế của một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng theo hình thức đối tác công – tư.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Xây dựng hiện đang báo cáo Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông lên quy mô 6 làn xe, trong đó dự kiến khởi công vào quý IV/2025.
Bộ cũng đề xuất được làm đầu mối triển khai các thủ tục điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tích hợp thêm các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trường hợp được chấp thuận đầu tư theo hình thức PPP, sẽ cần có quy trình lựa chọn nhà đầu tư phù hợp theo quy định hiện hành, đồng thời xây dựng cơ chế đảm bảo minh bạch, công bằng trong việc thu phí hoàn vốn và quản lý tài sản công.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công đang bị áp lực lớn và cần được phân bổ hiệu quả cho các lĩnh vực trọng yếu khác như y tế, giáo dục, quốc phòng…, việc xã hội hóa hạ tầng giao thông qua hình thức PPP đang trở thành hướng đi cấp thiết.
Đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả không chỉ thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân trong phát triển đất nước, mà còn mở ra một mô hình hợp tác công – tư hiệu quả, linh hoạt và phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Nếu được thực hiện đúng như cam kết, dự án mở rộng tuyến cao tốc Bắc – Nam sẽ là bước đột phá chiến lược, vừa nâng cấp năng lực hạ tầng quốc gia, vừa giải phóng nguồn lực ngân sách để phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn tới.