Tổng cục Thống kê: Mục tiêu tăng trưởng 2023 vẫn là thách thức

14:57 29/06/2023

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê dự báo kinh tế - xã hội quý III sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là thách thức rất lớn.

Khả năng hấp thụ vốn còn thấp

Sáng 29/6, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý II và 6 tháng đầu năm nay. Tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Như vậy, GDP quý II tăng gần thấp nhất trong 13 năm qua.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tăng 0,67%, và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,0%. Giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là những nguyên nhân chính làm CPI tăng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tại buổi họp báo
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tại buổi họp báo.

Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,74%. Trong đó, chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 6 tháng đầu năm tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 (sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022, tác động làm CPI tăng 0,49%).

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,24%, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,74% do dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng, tác động làm CPI tăng 0,17%. Chỉ số giá vé máy bay tăng 65,72%; giá vé tàu hỏa tăng 32,34%; giá vé ô tô khách tăng 11,12% do nhu cầu đi du lịch trong dịp lễ, Tết, dịp hè của người dân tăng.

Giá điện sinh hoạt tăng 3,12% do nhu cầu sử dụng điện tăng và quyết định tăng 3% giá điện của EVN áp dụng từ ngày 4/5/2023, tác động làm CPI tăng 0,1%.

Lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,29%). Sáu tháng đầu năm, tuy giá xăng dầu giảm 18,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 9,99% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,88 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.

Toàn cảnh buổi họp báo của Tổng cục Thống kê
Toàn cảnh buổi họp báo của Tổng cục Thống kê.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,62%; khu vực dịch vụ chiếm 43,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,81% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,21%; 38,00%; 41,85%; 8,94%).

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê cho biết tiêu dùng cuối cùng tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 30,27% vào tốc độ tăng chung toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 1,15%, đóng góp 6,28%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,0%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,20%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 63,45%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 3,30%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng kỳ năm trước tăng 3,97%); tăng trưởng tín dụng đạt 3,13% (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%).

Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay có xu hướng giảm dần. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân đồng Việt Nam ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá mức tăng trưởng 3,72% trong 6 tháng đầu năm không cao nhưng các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước.

Bà Hương cũng dự báo kinh tế - xã hội quý III năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là thách thức rất lớn.

Thêm 13.900 doanh nghiệp mới 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 6, cả nước có 13.900 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 138.700 tỷ đồng, tăng 14,9% về số doanh nghiệp và tăng 33,7% về vốn đăng ký so với tháng 5/2023. So với cùng kỳ năm trước, kết quả này tăng 4,8% về số doanh nghiệp, tăng 14,6% về số vốn đăng ký và tăng 34,7% về số lao động.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 707.500 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 509.900 lao động, giảm 0,5% về số doanh nghiệp, giảm 19,8% về vốn đăng ký và giảm 1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023 lên 113.600 doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.

Theo khu vực kinh tế, 6 tháng đầu năm nay có 799 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước; 18.100 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 6,5%; 57.000 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 2,1%.

Cũng trong tháng 6, có 5.102 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 4,9% so với tháng trước và giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.749 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,9% và tăng 11,7%; có 1.482 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21,2% và giảm 12,2%.

Như vậy, 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 60.200 doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Bình quân một tháng có 16.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Hà Linh