Tính “phiêu lưu” trong việc dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn dẫn đến tình trạng mất thanh khoản

16:01 19/03/2023

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, tính “phiêu lưu” trong việc dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn dẫn đến tình trạng mất thanh khoản của các ngân hàng Mỹ là bài học cho các NHTM Việt Nam.

Ảnh minh họa
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM 

Sau biến cố của 3 ngân hàng vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang xem xét lại quy định liên quan đến ngân hàng hạng trung, đồng thời tăng cường những bài kiểm tra sức chống chịu (stress test) của ngân hàng trước biến động của thị trường tài chính. Nếu kết quả kiểm tra của Fed cho thấy có nhiều ngân hàng ở Mỹ đang đầu tư trái phiếu dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn thì tình trạng là “đáng lo ngại”.

TS Huân cho biết, ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai đột xuất và ban hành kết luận thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 11 tổ chức tín dụng (TCTD). Trên cơ sở kết luận thanh tra, NHNN đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các TCTD có hành vi vi phạm.

Thống kê từ báo cáo tài chính cho thấy, đến cuối năm 2022, trị giá trái phiếu doanh nghiệp các ngân hàng Việt Nam đang nắm giữ khoảng 190 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 8 tỷ USD. Đó là một con số rất lớn và đáng quan tâm bởi nhiều ngân hàng Việt Nam cũng dùng vốn huy động ngắn hạn để đầu tư trung và dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều trái phiếu doanh nghiệp đang có rủi ro về thanh khoản. Có thể thấy, một số ngân hàng thương mại Việt Nam đã thiếu thận trọng trong đánh giá rủi ro các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, tình trạng thiếu thanh khoản về nguồn vốn dẫn đến lãi suất huy động tăng cao trong cuối năm ngoái là một biểu hiện của điều này.

Việc ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho phép gia hạn trái phiếu, tạo điều kiện để đơn vị phát hành và trái chủ tìm giải pháp xử lý là phù hợp, trước đó, việc hỗ trợ thanh khoản và đưa Ngân hàng SCB vào diện kiểm soát đặc biệt là cách xử lý quyết liệt và hiệu quả.

Tuy nhiên, các động thái chính sách và ứng phó như trên đều khá muộn. Hay nói cách khác, nếu công tác xây dựng hành lang pháp lý, giám sát và cảnh báo rủi ro đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được thực hiện tốt hơn thì đã tránh được những “cú sốc” đối với giới đầu tư.

Về phía ngân hàng, cần tăng cường việc giám sát hoạt động đầu tư, tính tuân thủ trong việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

"Mặt khác, để các ngân hàng có khả năng kiểm soát rủi ro hệ thống tốt hơn, thì các chính sách tài chính - tiền tệ cần có tính dự đoán. Không thể phủ nhận, tình trạng “tiền rẻ” trong năm 2020 - 2021, sự dễ dãi trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã đẩy giá bất động sản lên quá cao, sau đó các kênh vốn đột ngột bị thắt chặt khiến doanh nghiệp và ngân hàng không kịp tính toán rủi ro để có các phương án ứng phó phù hợp", TS Huân nhận xét.

Hồng Hoa (ghi)