Tính đúng, tính đủ chi phí sẽ là một trong những giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xăng dầu

15:32 06/11/2022

Nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành 11/11 thì những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật. Khi được tính đúng, tính đủ chi phí sẽ là một trong những giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, giúp ổn định nguồn cung xăng dầu.

Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam
Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam.

Liên tục có các kiến nghị về vấn đề chi phí với liên Bộ Công Thương – Tài chính, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh: “Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề chi phí. Đầu tiên là chi phí hoạt động lưu thông của xăng dầu, giúp hàng hóa được bán ra thị trường từ thương nhân phân phối, đến cửa hàng bán lẻ. Chi phí này đã được áp dụng suốt từ năm 2014 đến nay và chưa được sửa đổi dù chúng tôi đã kiến nghị đề xuất nhiều lần và theo quy định phải rà soát hàng năm”.

Kế đến là chi phí tạo nguồn, là các chi phí đã được quy định tại các Nghị định 83, 95. Chi phí này bao gồm: giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, kể cả chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Đây là vấn đề rất mới, bắt đầu thực hiện trong năm 2022.

Đơn cử, đối với chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước, đáng lẽ phải được áp dụng từ 11/7, nhưng đến 11/10 mới được áp dụng, chậm đến 3 tháng, dẫn đến trong quý III, các doanh nghiệp lấy hàng trong nước thiếu tới 600 đồng/lít xăng.

Trong khi đó, chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thời gian vừa qua chi phí này lại biến động tăng rất cao, việc điều chỉnh nhưng không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ trong Quý III tại khâu tạo nguồn khoảng hơn 2000 tỷ đồng. Đây chính là lý do các doanh nghiệp ngần ngại vì lỗ rất lớn.

"Đặc biệt, trong quý III, chi phí tạo nguồn ở nước ngoài về, theo tính toán, doanh nghiệp chịu lỗ tới 650 đồng/lít xăng. Các chi phí đó doanh nghiệp phải chịu để thực hiện theo đúng nhiệm vụ chính trị phân phối xăng dầu được giao. Chưa tính tới những yếu tố do thời tiết, ảnh hưởng của bão gió khiến tàu bè không thể tiếp cận được vào các nhà máy thì đâu đó đứt nguồn là điều dễ hiểu" - ông Bảo phân tích.

Trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, đối với khối lượng xăng dầu Bộ Công Thương giao cho các doanh nghiệp thì chắc chắn phải nhập khẩu thêm. Trong khi với giá cả hiện tại trong Quý IV, nhất là tháng 11, 12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD, như vậy chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít, khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chiều 4/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Chỉ sau 2 giờ đồng hồ nhận được công văn, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính.

Nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành 11/11 thì những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật. Khi được tính đúng, tính đủ chi phí sẽ là một trong những giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, giúp ổn định nguồn cung xăng dầu.

Thanh Hà