Tiền mặt và lao động là động lực để doanh nghiệp phục hồi sau đợt dịch thứ tư

14:47 04/11/2021

Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, giãn nợ,… Tuy nhiên theo TS – chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, cái các doanh nghiệp cần lúc này là tiền mặt và lao động để đảm bảo duy trì sản xuất.

“Đuối sức” sau đợt dịch thứ tư

Nhìn nhận tình hình kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam sau đợt dịch thứ tư, TS Võ Trí Thành cho rằng các doanh nghiệp gần như đã cạn lực. 

TS - chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành
TS - chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.

Thực tế, GDP quý III/2021 đã giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước là mức giảm sâu nhất kể từ khi có thống kê về GDP theo quý. Khu vực dịch vụ giảm 9,28%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%.

Theo xu thế chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn. Thứ nhất, dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng khiến doanh nghiệp rất khó khăn để trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thiếu hụt dòng tiền cũng khiến hầu hết doanh nghiệp khó có thể trả lãi các khoản vay ngân hàng đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới. 

Thứ hai, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.

Thứ ba, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa hợp lý. Hậu quả là các doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng, nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi tăng, cước vận chuyển tăng, tình hình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.

Thứ tư, lượng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn nhu cầu bị giảm đến 70-80%.

Tính riêng nửa đầu năm đã có 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 6 tháng đầu năm là 35.607 doanh nghiệp, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2020. Có 9.942 doanh nghiệp đã giải thể trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Việc thực hiện giãn cách xã hội đã khiến hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ trong quý III, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, trang sức, du lịch,… Đơn cử như Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ đã lần đầu báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE (tháng 3/2009) do dòng tiền kinh doanh âm. Doanh thu quý III của Bến xe Miền Tây chỉ còn 2% so với cùng kỳ năm ngoái, báo lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng. Thép Việt Ý cũng báo lỗ tới 92 tỷ đồng trong quý III/2021 do phải duy trì các khoản phí quản lý doanh nghiệp, phí bán hàng khi không thể duy trì lượng tiêu thụ sản phẩm.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ bằng tiền để phục hồi sản xuất

Theo TS Võ Trí Thành, những hỗ trợ thiết thực nhất lúc này là thị trường, việc làm và thanh khoản. Chính phủ nên có hỗ trợ doanh nghiệp về sinh kế để doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì sản xuất, phục hồi sau dịch.

Phân tích rõ hơn, ông Võ Trí Thành cho rằng: "Việc hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện đủ lớn, đủ dài về thời gian, đủ quyết liệt và mạnh mẽ vì những tổn thất của doanh nghiệp là nhiều chưa từng có. Họ cần nguồn lực để vượt khó, cải cách cũng như bắt nhịp đà hồi phục của thế giới”.

Thực tế, từ năm ngoái, các chương trình hỗ trợ giảm lãi vay cho doanh nghiệp đã được ngành ngân hàng đưa ra, như khoanh, giãn nợ, giảm lãi vay... Sắp tới có thể có gói kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất 2-3% cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng như vận tải, du lịch lữ hành... như Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội ngày 29/10.

Nhưng trong bối cảnh này, chuyên gia lưu ý, giảm lãi suất thôi vẫn chưa đủ, bởi nếu giảm lãi suất mà doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng thì vay lãi thấp hay cao cũng như vậy.

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ gồm cả giải pháp trước mắt để doanh nghiệp duy trì sản xuất và giải pháp lâu dài. Về lâu dài, kịch bản hồi phục kinh tế cần có thể chế mới để thúc đẩy sự chuyển dịch, kích thích đầu tư, tiêu dùng hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động và cải cách môi trường kinh doanh.

Do đó TS Võ Trí Thành nhấn mạnh: Lúc này, nhiều DN đang rất cần được ưu tiên hỗ trợ nguồn tiền thật để giảm sức ép về tài chính, thay vì các chính sách giãn, hoãn nợ, thuế, phí trước đây. 

Doanh nghiệp dệt may chật vật sau đợt dịch thứ tư. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp dệt may chật vật sau đợt dịch thứ tư. Ảnh minh họa.

Về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp ưu tiên hỗ trợ, theo ông Võ Trí Thành, nên đồng thời dựa trên mức độ thiệt hại do dịch gây ra; sự lan toả, đóng góp vào ngân sách, nền kinh tế của các ngành, lĩnh vực. Chẳng hạn, lĩnh vực dệt may, da giày, gỗ..., những ngành sản xuất chủ lực đóng góp hàng chục tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu chung. Hay ngành xây dựng, khi các dự án đầu tư xây dựng được khởi động, thông suốt sẽ mang tính lan toả, tạo việc làm, tăng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực khác.

Vấn đề thứ hai mà TS Võ Trí Thành phân tích là lao động. Theo ông, phục hồi lao động cần là một trong những trụ cột ưu tiên của chương trình phục hồi kinh tế. Việc này trong ngắn hạn sẽ giúp doanh nghiệp thu hút lại lao động, quay trở lại vận hành với công suất cao như trước thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại, đào tạo kỹ năng mới...

Về dài hạn, cơ cấu lại thị trường lao động, theo ông Thành, cần gắn với bài toán về an sinh như chính sách nhà ở xã hội cho người lao động để họ "an cư, lạc nghiệp".

Dự báo về hoạt động kinh doanh cuối năm 2021, ông Võ Trí Thành cho rằng nếu quý IV/2021 quay trở lại trạng thái “bình thường mới” và doanh nghiệp có thể phát triển kinh tế trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ vào khoảng 3-4%. Dẫu vậy, đây vẫn là mức tăng thấp nếu nhìn vào đà phục hồi và thành công của năm 2020.

Hà Linh