Vào đúng 0h01 ngày 9/4 theo giờ Washington (tức 12h trưa cùng ngày theo giờ Hà Nội), toàn bộ kế hoạch thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức có hiệu lực, khép lại mọi đồn đoán về khả năng trì hoãn hoặc thay đổi vào phút chót. Theo hãng tin Bloomberg, tỷ lệ thuế thu được so với giá trị hàng hóa nhập khẩu sẽ đạt 20%, đánh dấu mức thuế quan cao nhất của Mỹ kể từ năm 1909. Động thái này đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu khi các đối tác của Mỹ cân nhắc các biện pháp trả đũa.
Với Việt Nam, hệ quả là ngay lập tức. Kể từ thời điểm lệnh thuế có hiệu lực, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ như dệt may, da giày, gỗ và thủy sản sẽ phải gánh mức thuế đối ứng 46% – mức chưa từng có tiền lệ trong quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.
![]() |
Thuế quan của Mỹ chính thức có hiệu lực, Việt Nam chịu mức 46% |
Ngành dệt may, vốn đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 16 tỷ USD sang Mỹ trong năm 2024, đang đứng trước nguy cơ sụt giảm mạnh đơn hàng và lợi nhuận. Ngành gỗ – nơi thị trường Mỹ chiếm tới 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu – được dự báo sẽ chịu cú sốc. Đặc biệt, các mặt hàng thủy sản như tôm sú và cá tra có thể bị đánh thuế tới 75% nếu cộng thêm các khoản thuế chống bán phá giá hiện có.
Trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng, đề nghị phía Mỹ tạm hoãn áp dụng mức thuế trong ít nhất 45 ngày nhằm tạo điều kiện đàm phán. Kèm theo đó là một loạt đề xuất chủ động như giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ xuống 0%, kiểm soát xuất xứ hàng hóa, mở rộng cửa thị trường đầu tư, và cam kết cắt giảm thặng dư thương mại song phương.
Đồng thời, các bộ ngành liên quan đang phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tái cơ cấu chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, và nâng cao giá trị sản phẩm để duy trì năng lực cạnh tranh trong bối cảnh bất lợi.
Một đoàn công tác cấp cao do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu đã có mặt tại Washington từ đầu tuần này. Theo kế hoạch, ông sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent để trao đổi trực tiếp về mức thuế 46%. Bên cạnh đó, đoàn cũng sẽ tiến hành các cuộc gặp bên lề với các tập đoàn lớn như Boeing, và các nhà đầu tư tài chính hàng đầu như KKR – nhân dịp ký kết hợp đồng tài chính trị giá 200 triệu USD giữa KKR và VietJet. Đây được xem là một phần trong chiến lược ngoại giao kinh tế nhằm tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và hàng không, từ đó từng bước thu hẹp thặng dư thương mại song phương – một trong những nguyên nhân khiến Mỹ gia tăng sức ép gần đây.
Việt Nam không đơn độc trong làn sóng thuế quan mới từ Mỹ. Trung Quốc là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức thuế lên tới 104% do không gỡ bỏ các rào cản thương mại đúng “hạn chót” ngày 8/4. Ấn Độ cũng bị áp thuế 27% sau khi đàm phán thất bại. Trong khi đó, Nhật Bản chứng kiến thị trường chứng khoán lao dốc khi bị đánh thuế 25% đối với ô tô và 24% đối với hàng công nghiệp.
Hơn 70 quốc gia khác – trong đó có Philippines, Anh, Thái Lan và Indonesia – đã đồng loạt gửi thư đề nghị được miễn trừ thuế, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Washington.