Bài liên quan |
VASEP: Các thị trường lớn thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2025 |
Vị thế của thủy sản Việt Nam tại Brazil |
Quan ngại thuế quan của Mỹ với doanh nghiệp thủy sản, VASEP kiến nghị khẩn |
Trước diễn biến bất ngờ khi Hoa Kỳ công bố sơ bộ mức thuế nhập khẩu đối ứng 46% đối với hàng hóa thủy sản Việt Nam vào ngày 3/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thông qua Cục Thủy sản và Kiểm ngư, đã nhanh chóng có văn bản gửi đến các Sở Nông nghiệp và Môi trường ven biển cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường chỉ đạo, ổn định sản xuất và chuẩn bị các kịch bản ứng phó.
Theo đó, mức thuế mới từ phía Hoa Kỳ – một trong những thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam – được dự báo sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi giá trị và sản xuất của toàn ngành. Tuy nhiên, trong tinh thần chỉ đạo từ Chính phủ, đặc biệt là lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 6/4, các địa phương, doanh nghiệp và người dân được nhấn mạnh cần giữ vững bản lĩnh, phát huy tinh thần sáng tạo, linh hoạt để biến thách thức thành cơ hội tái cấu trúc thị trường, mô hình sản xuất và xuất khẩu.
![]() |
Sẵn sàng tìm thị trường mới cho thủy sản Việt Nam |
Đồng thời, cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald J. Trump ngày 4/4 đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của cả hai bên trong việc đàm phán tiến tới một thỏa thuận song phương, hướng đến mục tiêu miễn thuế nhập khẩu (0%) cho hàng hóa xuất nhập giữa hai nước. Đây là tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin vào các nỗ lực ngoại giao kinh tế.
Trong thời gian chờ đàm phán chính thức, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đã yêu cầu các địa phương không để xảy ra tâm lý hoảng loạn. Cụ thể, các hành vi như thu hoạch ồ ạt, hạn chế xuống giống hay cắt giảm sản xuất đều bị cảnh báo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu tăng trưởng dài hạn của ngành.
Thay vào đó, các tỉnh được chỉ đạo bám sát cơ sở nuôi trồng, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Song song đó là việc giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu mạnh và đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ truy xuất nguồn gốc nhằm tránh rủi ro bị áp thuế gian lận thương mại từ phía Hoa Kỳ.
Trong trường hợp xấu nhất, khi đàm phán không đạt kết quả tích cực, ngành thủy sản đã sẵn sàng phương án chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc – những thị trường đang chiếm đến gần 55% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024. Đồng thời, các nỗ lực xúc tiến mở rộng thị trường mới cũng được đẩy mạnh để tăng sức chống chịu và giảm lệ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ.
Một điểm nhấn quan trọng khác trong chỉ đạo lần này là phát triển thị trường trong nước – điều được coi là “cốt lõi để duy trì sức bền của ngành”. Theo đó, các địa phương cần tổ chức liên kết giữa người nuôi, doanh nghiệp chế biến và hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn để nâng cao mức tiêu thụ nội địa, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, tạm trữ nguyên liệu trong giai đoạn chờ đàm phán thuế.
Việc tổ chức lại chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ giúp giảm khâu trung gian, tối ưu lợi nhuận cho người nuôi và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả điều tiết thị trường trong bối cảnh nhiều biến động.
Mặc dù đang đối diện với thách thức lớn, ngành thủy sản Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong Quý I/2025. Sản lượng ước đạt 1,99 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,29 tỷ USD, tăng mạnh 18,1%. Các con số này cho thấy sự linh hoạt, nhạy bén và quyết tâm duy trì đà tăng trưởng của toàn ngành trong bối cảnh đầy biến động.