![]() |
Quan ngại thuế quan của Mỹ với doanh nghiệp thủy sản, VASEP kiến nghị khẩn |
Rạng sáng ngày 3/4/2025 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bất ngờ công bố chính sách thuế nhập khẩu đối ứng áp dụng đối với hơn 180 nền kinh tế trên toàn cầu. Trong động thái đầy bất ngờ và quyết liệt này, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, với mức thuế nhập khẩu lên tới 46%. Quyết định này không chỉ gây sốc cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, trong đó đặc biệt là ngành thủy sản – lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu hàng năm sang Mỹ đạt khoảng 2 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Hoa Kỳ từ lâu đã là thị trường truyền thống và lớn nhất của thủy sản Việt Nam, đồng thời cũng là quốc gia có tính định hướng cao đối với thị trường thủy sản toàn cầu. Trong số các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Mỹ, có đến 70% là sản phẩm nuôi trồng như tôm, cá tra, nhuyễn thể và cá nước ngọt khác – những mặt hàng gắn liền với sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân Việt Nam ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, 30% còn lại là thủy sản khai thác, đại diện cho nguồn sống của hàng trăm nghìn ngư dân. Mỹ hiện là thị trường số 1 của tôm và cá ngừ, và đứng thứ hai về nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Vì vậy, chính sách thuế mới này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm nghìn nông – ngư dân trong nước.
Hiện có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia xuất khẩu hoặc có kế hoạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, hầu hết các đơn hàng đều được thực hiện theo phương thức DDP – nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam phải chịu toàn bộ chi phí liên quan như vận chuyển, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng đến kho của đối tác Mỹ. Do đó, việc Mỹ đột ngột áp thuế cao đến 46% khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng về khả năng bị thiệt hại lớn, thậm chí có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu quan trọng nhất, trong khi nhiều lô hàng có giá trị cao đang trong quá trình vận chuyển có thể bị đánh thuế nặng.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ngay trong sáng ngày 3/4, đã có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển sang Mỹ. Ngoài ra, khoảng 31.500 tấn hàng dự kiến sẽ được xuất khẩu trong tháng 4 và 5/2025, cùng với hơn 38.500 tấn đã được ký kết đơn hàng cho cả năm 2025. Những con số này không chỉ thể hiện quy mô lớn của ngành mà còn phản ánh rõ mức độ rủi ro mà hàng nghìn hộ dân và doanh nghiệp đang phải đối mặt. Đây là tài sản không nhỏ của người dân và doanh nghiệp Việt Nam, là kết quả của nhiều tháng chuẩn bị sản xuất, đầu tư, và cam kết thị trường – tất cả đang bị đe dọa chỉ vì một thay đổi chính sách mang tính áp đặt từ phía Hoa Kỳ.
Đáng lo ngại hơn là sự thiếu rõ ràng trong quy định thời điểm áp thuế. Theo thông báo từ phía Mỹ, sẽ có mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa có ngày xếp lên tàu hoặc rút khỏi kho ngoại quan đưa vào tiêu thụ nội địa từ sau ngày 5/4/2025 đến trước ngày 9/4/2025. Riêng với hàng hóa đã được xếp lên tàu trước 12:01 ngày 5/4/2025 và đang trong quá trình vận chuyển thì sẽ không chịu mức thuế bổ sung này. Tương tự, mức thuế nhập khẩu đối ứng 46% sẽ được áp dụng với hàng hóa có ngày xếp hàng lên tàu hoặc rút khỏi kho ngoại quan đưa vào tiêu thụ nội địa từ sau 9/4/2025, ngoại trừ các lô hàng đã được vận chuyển trước 12:01 ngày 9/4/2025. Tuy nhiên, nếu cơ quan Hải quan Hoa Kỳ tính mốc thời gian dựa trên ngày cập cảng thay vì ngày xếp hàng lên tàu, thì toàn bộ các lô hàng hiện đang trên đường vận chuyển đều có thể bị áp thuế 46%. Điều này sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp, bởi giá bán đã được chốt theo mức thuế hiện hành (thường là 0% hoặc 5,5%-7% nếu áp thuế chống bán phá giá).
Không những vậy, so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường thủy sản Mỹ, mức thuế mới mà Việt Nam phải đối mặt là cao hơn hẳn. Trong khi Ecuador chỉ bị đánh thuế 10%, Ấn Độ là 26%, Indonesia 32% và Thái Lan 36%, thì con số 46% với Việt Nam có thể khiến thủy sản nước ta mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh và nguy cơ đánh mất thị trường Mỹ là hiện hữu.
Trước tình hình khẩn cấp và bất lợi này, VASEP đã nhanh chóng gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, đề xuất một số giải pháp cấp bách. Cụ thể, VASEP kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần sớm đàm phán với phía Mỹ để xác định rõ ràng mốc thời gian áp dụng thuế, đề xuất sử dụng thời điểm “xếp hàng lên tàu” (thể hiện trên vận đơn B/L) làm căn cứ tính thuế, thay vì dựa trên ngày cập cảng như hiện nay. Bên cạnh đó, đề nghị Mỹ điều chỉnh giảm mức thuế dựa trên các cơ sở thực tế: Việt Nam không thao túng tiền tệ (theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Hoa Kỳ), thặng dư thương mại phần lớn là kết quả của chuỗi cung ứng toàn cầu có sự tham gia của các doanh nghiệp Mỹ, và ngành thủy sản là lĩnh vực cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân Mỹ với mức giá phù hợp với thu nhập.
Đặc biệt, trong nỗ lực đàm phán, VASEP đề xuất phân loại rõ mức thuế áp dụng theo từng nhóm hàng, không nên áp dụng mức thuế cao nhất cho toàn bộ hàng hóa. Đồng thời, Việt Nam cũng có thể chủ động mở cửa thị trường bằng cách giảm thuế nhập khẩu thủy sản từ Mỹ về mức 0% – nhất là với các mặt hàng chủ lực như cá ngừ và tôm – để tạo điều kiện đàm phán song phương và thúc đẩy đối xử tương hỗ từ phía Hoa Kỳ, bởi thực tế Việt Nam hầu như không nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Mỹ.
Trong khi chờ đợi hướng dẫn chính thức từ Chính phủ và các cơ quan liên quan, VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên thận trọng trong việc sắp xếp lịch trình xuất khẩu. Theo đó, nên tránh xuất hàng từ ngày 5/4/2025 để không bị áp thuế bổ sung 10% và đặc biệt không nên xuất hàng từ ngày 9/4/2025 để tránh mức thuế 46%. Đây là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm với ngành thủy sản Việt Nam, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp để bảo vệ thị trường, bảo vệ sinh kế của hàng trăm nghìn nông ngư dân, và giữ vững vị thế của thủy sản Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.
![]() |
Tình hình xuất khẩu thủy sản tháng 3 và quý I/2025. |