Tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa do Covid-19

16:26 26/07/2021

Nhằm góp phần đảm bảo việc lưu thông hàng hóa trong bối cảnh diễn biến phức tạp do dịch Covid-19, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm... sáng nay, tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm với chủ đề “Tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa do Covid-19”.

  Doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn trong dịch bệnh.( Ảnh Internet)

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam nhận định, nhìn chung vận tải hàng hóa hiện vẫn có thể hoạt động được. Tuy nhiên, sản lượng bị giảm sút, chi phí tăng lên do vận chuyển trên đường gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm soát với tài xế và xe để phòng chống dịch. Điều kiện làm việc của các tài xế cũng rất khó khăn do phải thực hiện quy định về xét nghiệm và cách ly khi đi, đến từ địa phương vùng dịch.

Cùng chung quan điểm, ông Trần Đức Nghĩa, ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, các địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất nhiều với vận tải. Doanh nghiệp vận tải kiệt quệ sau hơn 1 năm ảnh hưởng dịch nhưng chi phí lại tăng lên. Một công ty có 150 tài xế, hằng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm...

Theo ông Nghĩa, do không có cơ quan nào đứng ra lĩnh xướng biện pháp phòng dịch với vận tải dẫn tới khó khăn ở khắp mọi nơi cho doanh nghiệp. Ví dụ tại Quảng Ninh khi xe vào tỉnh đã buộc tài xế xét nghiệm PCR nhưng khi vào khu vực cửa khẩu phải xét nghiệm tiếp; TP.HCM không đóng quốc lộ 1 qua địa bàn khi giãn cách nhưng Hà Nội lại đóng quốc lộ 1 để phong tỏa địa bàn…

Sự khác biệt trong quy định phòng chống dịch bệnh, thời hạn và hình thức xét nghiệm với tài xế, xu hướng áp dụng rất nhanh quy định mới của địa phương, theo ông Nghĩa, đã gây lúng túng cho doanh nghiệp khi họ chưa thể cập nhật thông tin.  "Điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Hiệp hội chúng tôi ước tính tình trạng trên đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỉ đồng/ngày", ông Nghĩa nhận định.

Ngoài ra, một số ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, nhiều địa phương có quy định phải cách ly y tế tập trung 14 ngày nếu từ vùng dịch trở về; mới đây Hà Nội đưa ra quyết định giãn cách rất nhanh, khi doanh nghiệp vận chuyển hàng từ phía Nam ra đến Hà Nội mới nhận được thông tin giãn cách, không thể quay về, cũng không có chỗ lưu trú. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh vận chuyển hàng hóa rất khó khăn đã làm xảy ra ùn tắc nghiêm trọng tại các chốt, nhất là trên tuyến Quốc lộ 1…

Trước thực tế này, ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã có hướng dẫn rõ 3 đối tượng ưu tiên, thứ nhất, xe vận tải hàng hoá đảm bảo các chuỗi cung ứng hay luồng xanh quốc gia có lộ trình qua Hà Nội. Thứ hai, xe chở hàng hoá thiết yếu cho thành phố, của các cơ sở kinh doanh dịch vụ và phục vụ các công trình mà được cấp phép hoạt động theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố Hà Nội và xe chở người và các phương tiện phục vụ công vụ của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 thành phố.

“Các phương tiện cần đăng ký thực hiện theo luồng xanh địa phương kết nối với luồng xanh quốc gia, các phương tiện phải thực hiện theo quy định và tổ chức giao thông của thành phố, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách. Chúng tôi xác định nhiệm vụ chống dịch phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận thông tin qua 3 số đường dây nóng, để cùng doanh nghiệp tháo gỡ để phương tiện vận tải được lưu thông thuận tiện nhất” - ông Đào Việt Long nói.

Tại tọa đàm, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam thông tin thêm, trong điều kiện hiện nay, ngành giao thông đang triển khai rất nhiều giải pháp để đảm bảo lưu thông vận chuyển hàng hóa. Đối với quy định, xe luồng xanh được lưu thông qua, không cần kiểm tra tại chốt kiểm dịch đang đòi hỏi các tài xế, doanh nghiệp cũng phải tự giác và chấp hành nghiêm các quy định để đảm bảo phòng chống dịch.

Theo đó, trong và sau chuyến đi, lái xe phải hạn chế tiếp xúc nhiều người. Trong hành trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu, doanh nghiệp phải có kế hoạch trước, kể cả điểm dừng cũng phải có kế hoạch, có phương án cụ thể. Với những vùng dịch phức tạp, doanh nghiệp có thể đổi lái xe để chuyến xe đảm bảo an toàn và lưu thông thông suốt. Đồng thời đề xuất ngành y tế và các địa phương ưu tiên tiêm vaccine sớm để bảo đảm an toàn cho người lái xe.

Các đại biểu cũng nêu quan điểm, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Công an, doanh nghiệp, hiệp hội vận tải nên ngồi lại với nhau xây dựng một hướng dẫn trên tinh thần kiểm soát an toàn và kiểm soát rủi ro. Quy trình này phải dễ cho người thực hiện, không gây nhiều tranh cãi, thắc mắc khi triển khai giống như việc quy định thực phẩm thiết yếu vừa qua.

PV