Tâm thế của VASEP trong thời kỳ mới để đưa doanh nghiệp thủy sản vươn xa

07:10 14/10/2023

VASEP đã góp phần tập hợp các doanh nghiệp thành một cộng đồng mạnh, tạo dựng những thành tựu xuất sắc trong chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Từ đó tạo tiền đề cho doanh nghiệp phát triển bền vững, tự tin bước sang thời kỳ mới.

Lực đẩy lớn từ cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh

Sau 25 năm hoạt động, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có 306 doanh nghiệp thủy sản thành viên trên toàn quốc, tổng doanh số xuất khẩu của các thành viên chiếm 80 - 83% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hàng năm của cả nước.

Trong những năm qua, VASEP với đồng thời là thành viên cùa Hội đồng Tư vấn Cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên như: Tư vấn, xây dựng và góp ý, phản biện cơ chế chính sách, các quy định hành chính, thủ tục hành chính với các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản. Hỗ trợ doanh nghiệp hội viên nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo nguồn nguyên liệu, mở rộng thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam, nhằm góp phần tích cực phát triển ngành kinh tế thủy sản của đất nước. Hình thành và phát triển các hình thức liên kết và phối hợp hoạt động giũa các hội viên trên cơ sở tự nguyện và các bên cùng có lợi. Tổ chức các hoạt động chung, tạo điều kiện hiểu biết lẫn nhau nhằm xây dựng mối quan hệ thiện chí giữa các hội viên. Bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của Hiệp hội và của hội viên. Thay mặt hội viên kiến nghị với Nhà nước về những vấn đề liên quan đến phát triển lĩnh vực chế biến và xuất nhập khẩu thuỷ sản. Phát triển hội viên, cơ sở vật chất và mở rộng phạm vi hoạt động của Hiệp hội, thiết lập và phát triển quan hệ quốc tế.

Doanh thu ngành thủy sản
Tổng doanh số xuất khẩu của các thành viên VASEP chiếm 80 - 83% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hàng năm của cả nước.

Qua sự hỗ trợ của VASEP, hàng loạt doanh nghiệp được nhận chứng chỉ Tiêu chuẩn nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP), chứng nhận của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC), chứng nhận Thực hành Nông nghiệp tốt của Việt Nam (VIETGAP), chứng nhận của Hội đồng Quản lý biển quốc tế (MSC), chứng nhận của Hội đồng nuôi trồng thủy sản Toàn cầu (BAP), ... cho vùng nuôi tôm và cá tra.

VASEP đã tổ chức thành công các chương trình hoạt động có phạm vi cộng đồng toàn ngành như các chương trình tại nước ngoài (gian hàng quốc gia Việt Nam tại Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ hàng năm, tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn càu hàng năm (Brussels, Bỉ và Barcelona, Tây Ban Nha), tại Hội chợ thủy sản và nghề cá Trung Quốc, tại Hội chợ THAIEX (Thái Lan), tại Hội chợ Thủy sản và nghề cá Busan (Hàn Quốc),.. ) qua đó đẩy mạnh việc quảng bá các sản phẩm giá trị gia tăng thông qua việc mời khách dùng thử sản phẩm GTGT đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia trưng bày hàng mẫu là các sản phẩm tại khu vực gian hàng chung.

Trong những năm qua, các ủy ban ngành hàng của VASEP có nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả, thể hiện rõ vai trò năng động của mình. Cụ thể, Uỷ ban Tôm VASEP (VSC) đã có nhiều hoạt động liên tục phối hợp các DN giải quyết những diễn biến rất phức tạp sau vụ kiện tôm. Uỷ ban Cá nước ngọt VASEP (VFFC) đã có nhiều hoạt động liên tục phổi hợp các doanh nghiệp cá giải quyết những diễn biển rất phức tạp sau vụ kiện cá. Ủy ban Hải sản VASEP cùng doanh nghiệp đã thực hiện rất nhiều các biện pháp để nỗ lực thoát khỏi thẻ vàng IUU.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV)
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV).

Để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kênh tiêu thụ nội địa, Ủy ban Hải sản đã thành lập Câu lạc bộ hàng nội địa VASEP nhằm mục đích phối hợp, liên kết hoạt động, cùng nhau nâng cao giá trị, chất lượng của sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng nội địa và có tiếng nói chung, hợp tác chặt chẽ, cùng có lợi với các kênh phân phối tại thị trường Việt Nam.

Những hoạt động có hiệu quả thiết thực của VASEP đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Đến nay tổng số hội viên của VASEP đã lên 306 đơn vị. Đặc biệt, VASEP đã chú trọng thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngân hàng, các công ty kiểm định và thiết kế phần mềm phục vụ cho việc quản lý của các công ty thủy sản.

Thông qua các hoạt động của VASEP, quan hệ giữa các doanh nghiệp hội viên đã thay đổi đáng kể, từ chỗ cạnh tranh không lành mạnh, phân tán, manh mún, đến nay đã từng bước xây dựng quan hệ hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, tạo nền tảng cho việc hình thành sức mạnh chung của hàng thuỷ sản Việt Nam, nhất là từng mặt hàng cạnh tranh với các đối tác khác trên thị trường nước ngoài.

Các Ủy ban ngành hàng thuộc VASEP như Ủy ban Tôm, Ủy ban Cá nước ngọt, Ủy ban Hải sản đã tổ chức phối họp các doanh nghiệp giải quyết các vụ kiện và các hoạt động nhằm tăng năng lực cạnh tranh quốc gia ngày càng kinh nghiệm, chuyên nghiệp và có hiệu quả hơn. Quan hệ giữa VASEP với các doanh nghiệp hội viên đã được xây dựng và ngày càng phát triển tốt đẹp. Hiệp hội đã trở thành tổ chức tập hợp, đại diện và bảo vệ cho quyền lợi chính đáng và họp pháp của hội viên, từng bước xây dựng tinh thần cộng đồng của doanh nghiệp, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn nhất.

Sau 20 năm hoạt động, VASEP đã góp phần tập hợp các doanh nghiệp thành một cộng đồng mạnh, tạo dựng những thành tựu xuất sắc trong chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, là đối tác và phản biện tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt qua rào cản trên thương trường.

Ủy ban Hải sản VASEP cùng doanh nghiệp đã thực hiện rất nhiều các biện pháp để nỗ lực thoát khỏi thẻ vàng IUU
Ủy ban Hải sản VASEP cùng doanh nghiệp đã thực hiện rất nhiều các biện pháp để nỗ lực thoát khỏi thẻ vàng IUU.

Hoạt động hợp tác quốc tế của VASEP ngày càng mở rộng, thiết lập được quan hệ với rất nhiều tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài, thu hút nguồn lực quốc tế phục vụ cho công tác mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh và vị trí trên thế giới của thủy sản Việt Nam.

VASEP thiết lập thêm quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế và các hiệp hội thủy sản khác như: Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA), Hiệp hội Nhập khẩu và Chế biến Thủy sản châu Âu (SIPA), Trung tâm Dịch vụ Tư vấn và Thông tin tiếp thị Thủy sản Khu vực Ả Rập (Infosamak),... Tham gia nhiều hoạt động như: Diễn đàn Doanh nhân Châu Á - Thái Bình Dương; Hội nghị Quốc tế về Thương mại Thủy sản nuôi; Tọa đàm Phát triển Ngành hàng Tôm... Đặc biệt, Hiệp hội đã tham gia Hội nghị các Hiệp hội Thủy sản Đông Nam Á để thống nhất thành lập Liên đoàn Thủy sản ASEAN - tổ chức ngành hàng đầu tiên được thành lập trong xu hướng liên kết cộng đồng DN các nước ASEAN, và hàng loạt các sự kiện quốc tế khác.

Thông qua các dịp tiếp xúc như vậy, nhiều chương trình hợp tác nhằm phát triển ngành thủy sản, hỗ trợ DN và mở rộng thị trường được đề cập và phát triển, giúp đối tác hiểu rõ hơn về ngành thủy sản Việt Nam, qua đó còn tìm thêm các cơ hội cho Hiêp hội và ngành thủy sản Việt Nam.

Đặc biệt, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế thế giới, Hiệp hội đã chủ động mở rộng các phương thức hợp tác quốc tể với các nước trong khu vực. Cụ thể là ký văn bản thỏa thuận hợp tác 4 bên: VASEP, VINAFIS, WWF quốc tế và WWF Việt Nam về phát triển bền vững cá tra.

Cần nhiều cơ chế để "dọn đường" cho doanh nghiệp

Là đơn vị đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của doanh nghiệp, VASEP nhận thức rõ những khó khăn mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Vì vậy đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị quan trọng.

Đối với việc vốn - tín dụng - lãi suất vay đang gây áp lực lớn với ngành hàng, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và thúc đẩy sản xuất thu mua nguyên liệu thủy sản cho nông-ngư dân, VASEP đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xem xét tiếp tục xem xét điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó, rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi thủy sản nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp để tránh việc người dân phải vay vốn lãi suất vô cùng cao từ bên ngoài do không tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng.

VASEP mong muốn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản
VASEP mong muốn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản.

VASEP cũng đề nghị cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4-6 tháng với các khoản vay đến lịch phải trả gần đây và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở quý cuối năm 2023. Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh và tạo cơ sở thúc đây sinh kê cho chuỗi nông-ngư dân phía trước.

VASEP mong muốn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đề xuất Chính phủ & Bộ Tài chính đưa vào văn bản quy phạm pháp luật nhằm xác định rõ hoạt động chế biến thủy sản là “hoạt động chế biến” để thực hiện chính sách thuế TNDN theo tinh thần văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính để thực hiện thống nhất & hiệu lực, hiệu quả.

Đại diện các doanh nghiệp thủy sản mong muốn Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trong thủy sản và chăn nuôi Việt Nam bởi đây là nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính phục vụ ngành.

Thực tế hiện nay, các đơn hàng giảm mạnh, tồn kho nhiều, áp lực chi phí tài chính cao, nhiều doanh nghiệp đứng trước thách thức phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, sa thải nhân công; người lao động rút BHXH một lần nhiều, làm việc thời gian ngắn rồi xin nghỉ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đã gây mất ổn định lao động. Từ đó VASEP đề xuất các giải pháp liên quan khác để giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, duy trì chuỗi cung ứng.

VASEP đề cập là việc một số doanh nghiệp phải thực hiện quá trình đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng chiều sâu nâng công suất sản lượng
Doanh nghiệp phải thực hiện quá trình đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng chiều sâu nâng công suất sản lượng.

Cụ thể, đề xuất Chính phủ hỗ trợ giảm thuế TNDN 2% cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí về phát triển bền vững được quốc tế công nhận và hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các dự án nhà máy xanh, dự án chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn.

Kiến nghị Bộ Tài chính cải tiến quy trình kiểm tra sau thông quan cho các doanh nghiệp trong đó giảm thiểu việc kiểm tra đối với những doanh nghiệp có quá trình vận hành tốt và không có lịch sử vi phạm các quy định về hoạt động xuất nhập khẩu. Kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH sửa đổi quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp để tránh tình trạng lao động trẻ nhảy việc. Đề xuất Nhà nước tiếp tục hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

VASEP cũng đề xuất cho phép và hướng dẫn thủ tục để nhà máy thủy sản có thể lắp đặt điện mặt trời áp mái không phát lên lưới (Zero export) để sử dụng cho sản xuất của doanh nghiệp (chế biến, trang trại nuôi tôm-cá).

Một vấn đề nữa được VASEP đề cập là việc một số doanh nghiệp phải thực hiện quá trình đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng chiều sâu nâng công suất sản lượng, doanh nghiệp phải làm thủ tục xin chủ trương như dự án cấp lần đầu nhưng chậm được giải quyết. Do đó VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ KHĐT xem xét đơn giản hóa thủ tục đối với dự án đầu tư nhà máy chế biến thủy sản đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước đây, đang hoạt động nay đầu tư nâng công suất/đổi mới công nghệ (không phát sinh nhu cầu giao đất/thuê đất).

VASEP đề nghị Quốc hội xem xét để có thể ban hành “Luật Hiệp hội ngành hàng” để thể chế hóa các Hội nghề nghiệp, nâng tầm vị thế, vai trò và trách nhiệm của các Hiệp Hội ngành hàng tạo nguồn lực mới đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng, góp phần phát triển kinh tế. Tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho Hiệp hội, khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của các tổ chức phi chính phủ nói chung, các Hiệp hội doanh nghiệp nói riêng, đồng thời có các giải pháp nâng cao hiểu biết cho toàn xã hội về vị trí, vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp/ngành hàng.

Xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Hiệp hội doanh nghiệp/ngành hàng hoạt động có hiệu quả hơn, nhất là việc chuyển giao, cung cấp các dịch vụ công cho các Hiệp hội khi Hiệp hội có đủ điều kiện, khả năng đảm nhận, đồng thời tạo điều kiện cho các Hiệp hội tham gia ngày càng tích cực, có hiệu quả cao hơn vào thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động vì lợi ích cộng đồng. Xây dựng chiến lược, kế hoạch để hỗ trợ các Hiệp hội doanh nghiệp trong phát triển ngành hàng, đào tạo, chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh te tuần hoàn, thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật và thương hiệu chung cho sản phẩm, thực hiện chiến lược phát triển thị trường với tầm nhìn dài hạn.

Hà Linh

Tags: