“Liên quan tới thị trường bất động sản, chúng ta có hàng loạt luật: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá, quy hoạch chi tiết Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và các luật liên quan, Luật Nhà ở (khoảng 230 điều); Luật Kinh doanh Bất động sản (khoảng 100 điều)… Làm thế nào để trong quá trình sửa luật thống nhất, tránh luật này chéo luật kia?”, ông Nghĩa nêu.
“Miếng đất, căn hộ là tài sản. Luật can thiệp đến tài sản nên người dân, doanh nghiệp đang rất quan tâm. Nếu đi vào càng chi tiết, càng sâu… chúng ta sẽ càng gặp rất nhiều vấn đề. Nếu đi vào từng luật, chăm chú sửa từng luật thì nguy cơ không nhất quán, không hệ thống. Trên một lô đất xuất hiện nhiều tài sản, quyền tài sản khác nhau, nếu ta đăng kí riêng rẽ, sau này chùm tài sản đưa ra tranh chấp, tài sản phát sinh sẽ gây ra rủi ro vì sở hữu đa tầng không được quản lý nhất quán. Sở hữu chung cư có thời hạn là can thiệp vào quyền tài sản. Quyền của người dân nên quy định trong luật dân sự và không nên thay đổi”, PGS. TS Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Nghĩa, về quyền tài sản, không ai có thể cấm người dân mua. Nhưng tài sản đó có đảm bảo an toàn hay không lại thuộc về quyền quản lý. Ông Nghĩa cho rằng, nên phân định rõ vấn đề quản lý hành chính và quyền tài sản của người dân, quyền thỏa thuận kinh doanh giữa doanh nghiệp và người mua nhà.
PGS. TS Phạm Duy Nghĩa đề nghị phải quan tâm đến gốc của vấn đề là “quyền tài sản”, “quyền tự do giao dịch”. Vị chuyên gia này ví von: “Đừng làm nhiều cành xum xuê mà không để ý gốc, chi bằng tỉa bớt cho nhẹ cành”. Quyền của người dân nên quy định trong luật dân sự và không nên thay đổi.
“Chúng ta đừng nên vì mỗi luật riêng mà nên nhìn tổng thể, đi từ gốc, tỉa bớt cành… trong quy trình này, cố gắng tham vấn ý kiến đa chiều về quyền tài sản của dân, quyền giao dịch của doanh nghiệp, không nên nay sửa, mai sửa”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Lâm Nghi