Ảnh minh họa
Thưa ông, trong quy hoạch điện quốc gia đã không đưa vấn đề xây dựng và phát triển ĐHN vào. Ở góc độ an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn, đây phải chăng là thiếu sót?
Trước hết, tôi muốn trả lời các câu hỏi liên quan đến ĐHN với tư cách là người làm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ và an toàn ĐHN. Năm 2017, chúng ta đưa ra Luật Quy hoạch mới (do Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện). Sau đó năm 2018 sửa đổi một số điều liên quan đến các quy hoạch.
Theo các quy định mới, nội dung Quy hoạch phát triển ĐHN là nhiệm vụ được xây dựng và ban hành trong tương lai. Tuy nhiên, nhiệm vụ này hiện nay vẫn chưa triển khai và cũng chưa giao cho bộ nào thực hiện. Chính vì vậy, Quy hoạch phát triển điện quốc gia chưa có cơ sở pháp lý để đưa ĐHN vào.
Ở góc độ khoa học và an ninh năng lượng quốc gia trung hạn và dài hạn, việc xem xét để có thể đưa ra các kịch bản có ĐHN là cần thiết. Đây là nguồn điện công suất lớn, ổn định, tin cậy, để chạy nền trong hệ thống điện, không tạo ra khí nhà kính, dễ cung cấp và dự trữ nhiên liệu…
ĐHN cùng với năng lượng tái tạo là xu hướng phát triển mới của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, như trên đã nói, cần có cơ sở pháp lý để đưa vấn đề này vào nghiên cứu, tính toán. Có thể nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển ĐHN sẽ được làm sớm, tùy thuộc vào sự cần thiết và chiến lược phát triển.
So với các năng lượng khác, ĐHN có lợi thế nào trong tương quan so sánh về môi trường, chi phí, an ninh năng lượng, thưa ông?
So với năng lượng hóa thạch và năng lượng tái tạo, ĐHN có nhiều ưu điểm, như không phát thải khí nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường (với điều kiện vận hành an toàn và không để xảy ra sự cố, và công nghệ hiện nay có thể đảm bảo), đảm bảo an ninh năng lượng vì đa dạng hóa nguồn điện và có thể dự trữ nhiên liệu cho nhiều năm, không phụ thuộc vào vấn đề vận chuyển nhiên liệu.
Nguồn điện công suất lớn và ổn định, tin cậy là điều kiện để có thể phát triển các ngành công nghiệp.
ĐHN còn mang lại hiệu quả kinh tế trong dài hạn, vì các nhà máy ĐHN hiện nay đều có thể vận hành 60-80 năm nếu quản lý xây dựng và vận hành tốt. Bên cạnh đó, phát triển ĐHN sẽ thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ với những lĩnh vực cơ bản, tiên tiến, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp.
Như vậy sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và tiềm năng khoa học, công nghiệp một cách gián tiếp nếu phát triển ĐHN.
Theo ông, Việt Nam đã đủ điều kiện để xây dựng và vận hành các nhà máy ĐHN phục vụ cho mục đích kinh tế?
Việt Nam có thể phát triển, xây dựng và vận hành các nhà máy điện công suất trung bình và phổ biến trên thế giới hiện nay. Đó là lò nước áp lực, công suất 1.000-1.200 MWe.
Tuy nhiên, để phát triển được ĐHN cần có chiến lược sớm để có thể duy trì nguồn nhân lực ĐHN hiện nay đang còn lại. Nếu không có chính sách, chiến lược sớm đưa ra, sau 3-5 năm nữa Việt Nam sẽ mất hết nguồn nhân lực về ĐHN. Con người, đội ngũ nhân lực là quan trọng nhất đối với sự thành công của việc phát triển ĐHN.
Có con người rồi, chúng ta cần xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống pháp quy hạt nhân bài bản, hệ thống đào tạo bồi dưỡng phù hợp, chuẩn bị lại đội ngũ nhân lực kỹ thuật cho các nhà máy, cũng như hạ tầng nghiên cứu triển khai mạnh với các chuyên gia đầu đàn…
Về chi phí, tài chính, ĐHN cần vốn đầu tư ban đầu lớn. Tuy nhiên, có thể tìm kiếm và thu xếp được trong bối cảnh hiện nay, theo các mô hình phổ biến và thông dụng trên thế giới và ngành hạt nhân.
Cần chú ý, trong tương lai gần, công nghệ ĐHN dựa trên phương pháp làm mát bằng nước vẫn là chủ yếu (đa số các lò đang vận hành hiện nay và các dự án đang lên kế hoạch).
Vì với phương pháp này, thế giới đã nghiên cứu nhiều, hiểu sâu sắc và có đủ cơ sở khoa học. Còn công nghệ lò hạt nhân mô đun cỡ nhỏ (SMR) dựa trên phương pháp làm mát lò bằng kim loại lỏng, là lĩnh vực thế giới chưa có đủ các nghiên cứu để hiểu rõ và làm chủ nó.
Do đó theo tôi, Việt Nam chưa nên bàn đến SMR khi chưa làm được các dự án ĐHN dựa trên công nghệ nước áp lực phổ biến hiện nay. Việc đưa các kịch bản có ĐHN ra xem xét, tính toán là cần thiết, tùy thuộc vào chiến lược quốc gia.
Vấn đề là quy trình và thời gian thực hiện các quy hoạch, cái nào trước, cái nào sau, vào lúc nào, làm sao cho phù hợp để có thể đưa ra được các kịch bản phát triển tốt nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Ông có thể nói thêm sau sự cố về nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản năm 2011, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân?
9 năm sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản, các nước trên thế giới vẫn tiếp tục phát triển ĐHN. Hiện Nhật Bản đang xây dựng lại Chiến lược năng lượng (năm 2021 sẽ ban hành), trong đó nguồn điện chủ yếu sẽ là năng lượng tái tạo, ĐHN và nhiệt điện khí hóa lỏng (tỷ lệ cụ thể các nguồn sẽ được tính toán và công bố). Bên cạnh đó, từ nay đến 2030 Nhật Bản sẽ đóng khoảng 100 tổ máy nhiệt điện than.
Với các nước khác hiện đang vận hành hơn 450 tổ máy ĐHN, đóng góp khoảng 11% tổng sản lượng điện của thế giới. Trong đó riêng Trung Quốc có gần 50 tổ máy ĐHN, và theo kế hoạch đến 2030 sẽ có hơn 100 tổ máy, nước có tổ máy điện hạt nhân nhiều nhất là Mỹ.
Ấn Độ cũng đang phát triển mạnh các dự án ĐHN, bao gồm sử dụng công nghệ VVER của Nga, công nghệ AP1000 của Mỹ, tự phát triển công nghệ lò nước nặng sau khi áp dụng công nghệ CANDU của Canada.
Pháp là nước có tỷ lệ ĐHN cao nhất, gần 80% tổng sản lượng điện quốc gia. Liên bang Nga tiếp tục xây dựng các lò mới và triển khai nhiều dự án với nước ngoài… Có thể thấy bức tranh ĐHN thế giới ít thay đổi và tiếp tục phát triển, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
- Xin cảm ơn ông.