![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng. |
Chiều 9/4, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương nhằm triển khai thực hiện kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tâm điểm của hội nghị là việc quản lý, sắp xếp tài sản công là nhà, đất sau quá trình sáp nhập và tinh gọn bộ máy hành chính.
Tại hội nghị, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện ba nội dung trọng tâm. Cụ thể:
Thứ nhất, cung cấp thông tin tổng quan về tình hình tổ chức bộ máy trước và sau sắp xếp, bao gồm số lượng đơn vị trực thuộc, biên chế và nhân sự hiện có.
Thứ hai, báo cáo hiện trạng, phương án bố trí và xử lý trụ sở làm việc, đồng thời nêu rõ nhu cầu bổ sung (nếu có) trong quá trình sắp xếp.
Thứ ba, đánh giá hiện trạng các công trình, dự án đã được phê duyệt hoặc đang triển khai và đề xuất phương án xử lý phù hợp với tình hình mới.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, ngày 4/4 vừa qua, Bộ đã ban hành công văn số 4367/BTC-QLCS, gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị xây dựng phương án sắp xếp, xử lý tài sản công khi tiến hành điều chỉnh đơn vị hành chính.
Hội nghị cũng ghi nhận 14 ý kiến từ đại diện các bộ, ngành và địa phương, trong đó tập trung phản ánh những khó khăn trong việc bố trí lại trụ sở. Nhiều nơi xảy ra tình trạng thừa – thiếu trụ sở không đồng đều sau sáp nhập, gây khó khăn trong vận hành. Các ý kiến đề xuất cần có cơ chế linh hoạt như hoán đổi trụ sở và đơn giản hóa thủ tục điều chuyển để tiết kiệm chi phí và tận dụng hiệu quả tài sản công.
Ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị trong việc rà soát và báo cáo thực trạng trụ sở dôi dư. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc xử lý trụ sở sau sáp nhập không đơn giản, bởi khác với phương tiện hay thiết bị, trụ sở không thể dễ dàng di dời. Do đó, việc sắp xếp cần có lộ trình cụ thể và thời gian thích hợp.
Thứ trưởng Bùi Văn Khắng nhận định, việc xử lý tài sản công sau sáp nhập là nhiệm vụ khó, chưa có tiền lệ và đòi hỏi độ chính xác cao về số liệu. Ông nhấn mạnh vai trò chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai.
Ngay sau hội nghị, Bộ Tài chính sẽ thành lập Tổ công tác chuyên trách để điều phối và tiếp thu các ý kiến đóng góp, nhằm hoàn thiện phương án xử lý nhà, đất dôi dư. Mục tiêu là đảm bảo việc sử dụng tài sản công được hiệu quả, tránh thất thoát và lãng phí.