Số vụ gian lận lừa đảo giảm mạnh sau gần 3 tháng thực hiện xác thực sinh trắc học. |
Tại sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam diễn ra hôm nay (26/9), ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc triển khai các quy định về xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng từ ngày 1/7/2024 đã có đóng góp tích cực giúp hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận trên không gian Internet.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, cho đến ngày hôm nay 26/9 đã có khoảng 38 triệu tài khoản đã được thu thập dữ liệu sinh trắc học đối chiếu với dữ liệu.
"Có thể nói gần như những khách hàng thực hiện giao dịch trên 10 triệu/lần và 20 triệu/ngày thì đều đã tự đăng ký thông tin sinh trắc học để kiểm tra, xác thực lại chính chủ tài khoản của thẻ, ví. Chúng tôi muốn khẳng lại, mục tiêu của Quyết định 2345 là đảm bảo chính chủ tài khoản khi sử dụng các dịch vụ liên quan đến tài khoản, thẻ, ví từ đó góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận chuyển tiền vào các tài khoản thuê, mua bán mượn của các đối tượng lừa đảo", ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Sau 2 tháng triển khai, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận bình quân có trên 25 triệu giao dịch/ngày so với số trung bình các tháng trước tháng Bảy là gần như không thay đổi. Điều này cho thấy, việc triển khai Quyết định 2345 không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: Vietnam+). |
Cũng theo đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng cho thấy, số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng và số lượng tài khoản có phát sinh nhận tiền lừa đảo ở các đơn vị đã giảm đáng kể. Cụ thể: Số vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8 chỉ còn 700 vụ, giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo trong tháng 8 cũng giảm khoảng 72%, chỉ còn 682 tài khoản.
Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không có phát sinh số lượng vụ việc trong thời gian tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.
Theo Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm cao (A05) Bộ Công an, qua những thống kê ban đầu từ phía ngân hàng, A05 nhận thấy quy định xác thực sinh trắc học đã có tác dụng hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng tài khoản cá nhân để chuyển tiền.
Tuy vậy, ông Bách cảnh báo, từ khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng xác thực sinh trắc học với tài khoản cá nhân, hiện nay, đối tượng lừa đảo đang chuyển đổi chiêu thức, "dụ" người dân chuyển tiền vào tài khoản doanh nghiệp.
Cụ thể, đối tượng phạm tội lập doanh nghiệp ảo, mở tài khoản của doanh nghiệp ảo để lừa người dân chuyển tiền vào các tài khoản lừa đảo này. Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh đã bị lừa mua các sản phẩm làm đẹp, tham gia đầu tư qua mạng, nhận quà tặng... và chuyển tiền lừa đảo vào các tài khoản doanh nghiệp "ma" này.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, dự kiến tháng 10, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Thông tư thay thế Thông tư 35 về an toàn trong giao dịch trực tuyến, thay thế cho Quyết định 2345, nâng tầm pháp lý, tuân thủ lên mức độ cao hơn.
"Mốc tháng 1/2025 cũng sắp đến, tôi tin là các ngân hàng, trung gian thanh toán cũng đang rất khẩn trương để thúc đẩy áp dụng những quy định này", Vụ tưởng Vụ Thanh toán nói.
Trước đó, thời điểm việc thực hiện xác thực sinh trắc học được áp dụng, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an giải thích: Các ngân hàng đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ để khi người dùng quét vân tay hoặc quét khuôn mặt thì phải là khuôn mặt sống, vân tay sống của người giao dịch. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối mặt với một vài rủi ro chẳng hạn như sử dụng deepfake để vượt qua một vài chốt chặn xác thực sinh trắc học của các ngân hàng.
Ông Tùng cảnh báo, hiện có hàng trăm hàng nghìn phương thức lừa đảo. Mỗi khi có một chính sách mới, có sự kiện mới, các đối tượng lại tiếp tục nghiên cứu kịch bản để dẫn dụ người bị hại vào cạm bẫy, thậm chí tinh vi hơn như lợi dụng chính sách chuyển đổi số, chính sách cập nhật thông tin để dẫn dụ người dùng cài ứng dụng có chứa mã độc hoặc truy cập vào đường link chứa mã độc qua đó để chiếm dụng điện thoại, chiếm đoạt tài sản.
Có những nhóm lừa đảo hoạt động hàng trăm đối tượng, hoạt động như một nghề để kiếm sống, cho nên chỉ nghiên cứu sử dụng các phương thức lừa đảo qua không gian mạng để tìm kiếm người bị hại. Khâu quan trọng nhất của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm không gian mạng đó là khâu luân chuyển dòng tiền. Do đó, nếu chúng ta không định danh thông tin người mở tài khoản, không định danh được người thực hiện giao dịch thì vô hình trung hoạt động thanh toán sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro để các đối tượng lợi dụng.
"Quyết định 2345/NHNN là các biện pháp kỹ thuật để xây dựng các giải pháp để xác thực sinh trắc học khách hàng khi thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng, hoặc tổng giao dịch trong ngày vượt mức 20 triệu đồng. Đây là bước quan trọng, giải quyết được các vấn đề căn cơ như định danh để làm sạch thông tin khách hàng, đảm bảo người dùng có căn cước công dân thực, mở tài khoản thực", ông Tùng khẳng định.