Sau đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp khá lúng túng với yêu cầu mới của thị trường

09:16 30/03/2023

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), sau đại dịch COVID-19, có những xu hướng mới đang bộc lộ trong diễn biến và phát triển kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam đang khá lúng túng...

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy- Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, thời gian vừa qua, các chuyên gia và báo chí cũng đã phân tích rất nhiều về những khó khăn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Trước nhất và căng thẳng nhất là khó khăn về tài chính. Sau hơn 2 năm của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp khó về dòng vốn vay ngân hàng, tỷ giá và lãi suất. Rất nhiều doanh nghiệp cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phải đóng cửa và thậm chí là phá sản. Đây là vấn đề không ai mong muốn nhưng thực tiễn đang diễn ra. Vấn đề tương đối “nhức nhối” nữa là đơn hàng ở cả chuỗi cung quốc tế cũng như nhu cầu tiêu dùng trong nước đều đang có tốc độ sụt giảm. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã nhận thức hơn bao giờ hết tầm quan trọng của vấn đề năng lực quản trị của doanh nghiệp. So với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì sự quản trị này của doanh nghiệp trong nước rất hạn chế.

Ảnh minh họa
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Hoài Anh.

“Trước đây, trong bối cảnh bình thường, điều này không bộc lộ ra nhiều nhưng trong bối cảnh khủng hoảng do tác động từ đại dịch, chiến tranh thương mại, cuộc chiến Nga-Ucraina thì năng lực quản trị bộc lộ rất nhiều khiến doanh nghiệp đã lúng túng lại càng khó khăn hơn. Đây là câu chuyện tương đối chủ quan từ phía doanh nghiệp và chúng tôi cũng đang cùng với doanh nghiệp thảo luận khá nhiều để tìm giải pháp cho doanh nghiệp tự cải thiện”, bà Thủy nói.

Bàn về khó khăn từ môi trường kinh doanh trong giai đoạn vừa qua, bà Thủy cho biết, mặc dù chúng ta đã nhìn thấy những chỉ đạo điều hành tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên tục được đưa ra, tuy nhiên, khâu có vấn đề nhất vẫn là thực thi.

Hoặc là thực thi chậm, hoặc có tình huống rất nhiều quy trình thủ tục của doanh nghiệp gửi hồ sơ không biết đang nằm ở đâu, đến khâu nào và đang trong tình trạng đợi. Có cảm giác nhiều cơ quan chức năng dường như đang không có sự hoạt động tương tác với doanh nghiệp. Khó khăn này không hề nhỏ vì doanh nghiệp hoạt động phụ thuộc khá nhiều vào khung pháp lý và sự tương tác với các cơ quan chức năng.

“Sau đại dịch COVID-19, có những xu hướng mới đang bộc lộ trong diễn biến và phát triển kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam đang khá lúng túng để đối mặt với yêu cầu mới của thị trường. Ví dụ như chúng ta nói nhiều về chủ đề liên quan đến kinh tế xanh, yêu cầu giảm phát thải nhà kính hay yêu cầu mới về bài toán lao động môi trường và quản trị doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp cho biết, họ lúng túng về nắm bắt thông tin. Có những yêu cầu của thị trường quốc tế, ví dụ như gần đây Đức yêu cầu điều chỉnh chuỗi cung ứng liên quan đến doanh nghiệp Đức, nhưng đến ngày có hiệu lực thì doanh nghiệp Việt mới biết, trong khi đó, phía Đức đã ban hành công bố trước đó 2 năm”, bà Thủy chia sẻ.

Cũng theo bà Thủy, doanh nghiệp đang thiếu hụt về mặt thông tin với thị trường bên ngoài. Kể cả khi biết trước được thông tin nhưng thực thi hạn chế vì vẫn còn thiếu hụt hướng dẫn về biện pháp kỹ thuật ở trong nước cũng như những trợ lực để doanh nghiệp có thể đi theo được những xu hướng mới này.

Hoài Anh