Sa Pa là một trong những điểm đến thu hút khách nước ngoài nhất tại Việt Nam. Kênh truyền hình National Geographic (Mỹ) từng xếp Hoàng Liên Sơn (Sa Pa) ở vị trí thứ 7 trong danh sách 28 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2019.
Nhà xuất bản Rough Guides từng xếp Sapa là 1 trong 10 địa điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Thế nhưng mới đây, Sapa bị blog chia sẻ kinh nghiệm du lịch gia đình Family Globetrotters xếp hạng là 1 trong 10 địa điểm du lịch đáng thất vọng nhất thế giới.
Thông tin này ban đầu chắc sẽ khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng hiện nay của Sapa nhiều người sẽ chấp nhận điều đó kèm theo tiếng thở dài.
Trước đây, nhắc tới Sapa là người ta nghĩ ngay tới một thị trấn nhỏ vùng cao, thời tiết mát mẻ quanh năm, khung cảnh lãng mạn, văn văn hóa độc đáo, đặc sắc.
Người ta ví Sapa là nơi gặp gỡ của đất và trời. Ở đó, con người ta được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, được tắm mình trong nền văn hóa bản địa và được thưởng thức những món ăn rất hấp dẫn.
Đến Sapa, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy những vườn mận ngay khu vực trung tâm. Phóng tầm mắt ra xa, họ sẽ nhìn thấy những nếp nhà bằng gỗ xinh xinh thấp thoáng nơi sườn núi.
Họ sẽ thấy những người dân tộc hồn hậu đeo trên mình những chiếc gùi mây, những cái khăn sắc sỡ. Tiếng người dân tộc gọi nhau lao xao, xen lẫn tiếng khèn môi.
Thế nhưng, đó chỉ là hình ảnh của Sapa thời rất xa. Sapa bây giờ khác lắm rồi. Người dân ở đây bị cuốn vào nhịp sống hối hả như chốn thị thành. Người dân tộc ở Sapa bây giờ không nói tiếng của ngôn ngữ mình nữa. Họ nói tiếng Anh, tiếng kinh.
Họ cũng chẳng còn hồn nhiên như xưa. Thấy khách du lịch đi qua, họ sẽ chèo kéo mua hàng cho bằng được. Một blog nổi tiếng trên thế giới - Walk My World còn dùng từ "shopping trekking" để nói về vấn đề này. Người này nói rằng, nếu chỉ cần mở lời nói "Hello" (xin chào), lập tức sẽ có hàng chục người nhào tới nài ép mua hàng.
Người dân Sapa giờ cũng thực dụng hơn nhiều. Họ sãn sàng chặt chém khách hàng mỗi khi có dịp. Thậm chí du khách muốn chụp hình với họ ư? Phải trả tiền. Du khách muốn họ dẫn đường ư? Hãy đưa tiền.
"Không nơi nào trên thế giới khiến chúng tôi gặp rắc rối nhiều như Sa Pa. Cảm giác người dân không muốn nói chuyện với du khách ngoài mục đích chào hàng" - chủ blog Walk My World nhận xét về người dân ở Sapa.
Người ta ví, Sapa bây giờ chẳng khác nào một đại công trường.
Du khách còn phàn nàn là họ phải ăn những món ăn rất dở ở Sapa với một mức giá trên trời. Trang phục truyền thống của người dân ở đây mua về thì không thể mặc được vì được nhuộm một cách cẩu thả, dễ để lại thuốc nhuộm trên da.
Nhưng điều đáng báo động ở Sapa đó là khắp nơi người ta nhìn thấy những đại công trường, cả thị trấn bị cày nát để cho những công trình lừng lững mọc lên như nấm.
Khách du lịch đến với Sapa không phải để ở khách sạn sang, mà muốn tham quan những cảnh đẹp nơi đây. Chính vì thế, muốn phát triển du lịch cho Sapa, việc đầu tiên là các cơ quan quản lý phải giữ lại vẻ đẹp về thiên nhiên của nơi này. Sau đó mới tính đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Những công trình xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng tới vẻ đẹp của thắng cảnh thì sẽ không được cấp phép. Thế nhưng ở Sapa thì ngược lại.
Một kiến trúc sư từng ví, các công trình xây dựng ở Sapa xuất hiện đúng như kiểu "điền vào chỗ trống", ngột ngạt, bí bách và thiếu bản sắc. Chủ đầu tư nào cũng cố tình giành cho mình những vị trí đắc lợi nhất. Họ hào hứng, nhiệt tình phá quy hoạch của cả Sapa.
Người dân tộc bản địa tại Sa Pa từ trẻ tới già lâu nay đã bị cuốn theo nhịp sống hối hả của một thị trấn đang bị đô thị hoá một cách nhanh chóng. Ảnh: Việt Linh
Lối kiến trúc trước đây của Sapa là những mái nhà của người Mông, người Dao bên sườn núi, kiến trúc thời Pháp thuộc với những khu biệt thự nhỏ cùng bờ kè đá. Thế nhưng, lối kiến trúc này đang dần biến mất ở Sapa. Thay vào đó là lối kiến trúc lai căng, mỗi nơi một kiểu, màu sắc lòe loẹt.
Có nhiều người nói vui, bây giờ đặc sản lớn nhất của Sapa chính là những công trường xây dựng. Du khách chẳng còn được thư thái rảo bước trên Sapa. Ngược lại, họ phải ra sức nhảy qua những ổ trâu, ổ voi to tướng nằm trên đường. Họ cũng phải căng mắt ra mà quan sát để có thể tránh những chiếc xe tải lao rầm rầm trên đường.
Theo báo cáo của tỉnh Sapa, số lượng ô tô vào Sapa mỗi ngày khoảng 5000 - 8000 chiếc. Các phương tiện kể cả xe tải đều phải qua khu trung tâm thị trấn.
Sapa chẳng còn không khí trong lành như trước kia. Sapa giờ chỉ còn khói bụi, ùn tắc. Sapa chen lấn và ngột ngạt hệt như các thành phố lớn.
Lên Sapa bây giờ, người ta dễ thấy rác ngập khắp nơi, vật liệu xây dựng ngổn ngang, khói bụi mịt mù.
Vào năm 2003, chính quyền Sapa lúc bấy giờ từng mời các chuyên gia Pháp về quy hoạch lại nơi này. Họ đặt mục tiêu biến Sapa thành một điểm du lịch độc đáo.
Tuy nhiên, dường như điều đó đã không trở thành hiện thực. Các cơ quan quản lý của Sapa giờ chỉ quan tâm tới việc làm thế nào để thu được nhiều phí chứ không quan tâm tới công tác quy hoạch. Sapa tan hoang là do những cái đầu luộm thuộm, chỉ nghĩ tới việc thu phí trước mắt.
Mộc Lan