Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, vấn đề bất ổn về trái phiếu doanh nghiệp hiện nay liên quan trực tiếp tới nhà phát hành. Cốt lõi là vấn đề phía sau của những doanh nghiệp có vấn đề chứ không phải toàn bộ thị trường. Các nhà đầu tư cần phải được phân loại đâu là chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Không chuyên nghiệp sẽ tạo rủi ro cho thị trường.
“Vấn đề mà các cơ quan chức năng phải xử lý là nhà đầu tư không chuyên nghiệp, bao gồm doanh nghiệp có thông tin không chính xác, doanh nghiệp hiểu trái phiếu như khoản tiết kiệm hoặc họ bị dẫn dắt thì phải xử lý. Khối lượng này không lớn nên không ảnh hưởng nhiều, không tạo ra khủng hoảng nợ như Trung Quốc”, ông Ánh nói.
Trả lời câu hỏi về chính sách nào để xử lý những sai phạm trên thị trường trái phiếu hiện nay, theo ông Ánh, Chính phủ cần có chính sách riêng cho từng loại doanh nghiệp và nhà phát hành, nhà đầu tư chứ không phải là chính sách chung cho trái phiếu doanh nghiệp. Hiện mức cầu của người dân đang xuống thấp, đây mới là điều lo ngại nhất của nền kinh tế. Năm 2008-2009 tình hình cũng chưa tới mức này vì thời điểm đó, Việt Nam vẫn có gói kích cầu. Tình hình hiện nay căng hơn nhiều. Nhu cầu trong nước suy giảm mà lại không thấy ai nói tới gói kích cầu. Một khi đã là gói kích cầu thì sẽ có biện pháp phù hợp hơn. Một ví dụ rất nhỏ, gói hỗ trợ lãi suất 2% của Ngân hàng Nhà nước tuy không đẩy được cầu lên nhưng ít nhất cũng duy trì được tiêu dùng trong nước năm 2022.
“Tuy nhiên, năm 2023, không có một chính sách kích cầu nào. Nếu nhìn nhận đúng vấn đề suy giảm về tổng cầu, đầu tư công chỉ là một bộ phận thôi. Tăng đầu tư công là đúng nhưng không phải là vấn đề căn bản và cốt lõi nhất. Vấn đề là cầu trong nước tại sao lại giảm thế và các biện pháp kích cầu là gì”, ông Ánh phân tích.
Theo ông Ánh, Chính phủ phải ra chính sách chung nhất cho vấn đề kích cầu chứ không phải giao riêng cho bộ ngành nào. Bộ Tài chính chỉ thu ngân sách và việc thu ngân sách đang hiện rất tốt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng, đầu tư công khó là do nhiều vấn đề khác. Còn Ngân hàng Nhà nước chỉ có nhiệm vụ nới lỏng tín dụng, giảm lãi suất và điều này thì họ đã làm. Bởi vậy, chính sách kích cầu là của Chính phủ và là điều cần thiết hiện nay.
Hoài Anh