Thông tư này hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, trình tự, thẩm quyền cấp và cấp đổi Giấy phép hoạt động cho quỹ tín dụng nhân dân. Ngoài ra, quy định còn bao gồm việc cấp bản sao Giấy phép từ sổ gốc, nghĩa vụ nộp lệ phí, khai trương hoạt động, cũng như trách nhiệm thông báo thông tin đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
![]() |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 01/2025/TT-NHNN, quy định cụ thể về việc cấp Giấy phép lần đầu và cấp đổi Giấy phép hoạt động cho các quỹ tín dụng nhân dân. |
Theo Thông tư, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính của quỹ tín dụng nhân dân là người có thẩm quyền cấp Giấy phép lần đầu, cấp đổi và cấp bản sao Giấy phép từ sổ gốc.
Nội dung hoạt động, địa bàn và thời hạn hoạt động của quỹ sẽ được ghi rõ trong Giấy phép theo mẫu tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư.
Trong trường hợp Giấy phép bị mất, rách nát hoặc hư hỏng, quỹ tín dụng nhân dân có thể nộp đơn đề nghị cấp bản sao theo mẫu Phụ lục số 02. Đơn có thể được nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của Ngân hàng Nhà nước khu vực, qua bưu điện hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Ngân hàng Nhà nước. Trong vòng 4 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận sẽ xem xét và cấp bản sao Giấy phép theo quy định.
Quỹ tín dụng nhân dân khi được cấp mới hoặc cấp đổi Giấy phép có trách nhiệm nộp lệ phí tại Ngân hàng Nhà nước khu vực hoặc thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong vòng 15 ngày kể từ ngày được cấp phép. Mức lệ phí tuân theo quy định pháp luật hiện hành về phí và lệ phí.
Ngân hàng Nhà nước khu vực sẽ khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thẩm định. Trường hợp không thể khai thác được thông tin cần thiết, có thể yêu cầu Ban trù bị cung cấp bản sao giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
Ban trù bị lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và gửi đến Ngân hàng Nhà nước khu vực. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan này sẽ có văn bản xác nhận để tiến hành xét duyệt.
Trong vòng 5 ngày làm việc tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước khu vực sẽ gửi văn bản xin ý kiến các bên liên quan như: UBND cấp xã nơi đặt trụ sở dự kiến, nơi cư trú của nhân sự dự kiến bổ nhiệm, các Ngân hàng Nhà nước khu vực khác hoặc Ngân hàng Hợp tác xã nếu cần.
Các đơn vị được lấy ý kiến cần phản hồi trong vòng 15 ngày. Sau đó, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày xác nhận nhận đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước khu vực sẽ có văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập quỹ hoặc thông báo từ chối, nêu rõ lý do.
Thông tư 01/2025/TT-NHNN chính thức có hiệu lực từ ngày 15/6/2025.