Thanh toán không dùng tiền mặt: Động lực lớn cho tài chính toàn diện Tăng trưởng tín dụng năm 2025: Lợi thế và cơ hội mới cho doanh nghiệp |
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với biến động địa chính trị, chuỗi cung ứng gián đoạn và các hàng rào thuế quan ngày càng gia tăng, thị trường nội địa trở thành trụ cột chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Một trong những giải pháp được đánh giá cao là đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng – lĩnh vực có khả năng kích thích chi tiêu hộ gia đình và thúc đẩy sản xuất, dịch vụ trong nước.
Tại tọa đàm “Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước” sáng 25/4, ông Trần Anh Thắng – Thành viên HĐQT Eximbank – đã nêu rõ vai trò trung tâm của tín dụng tiêu dùng trong việc duy trì và kích cầu nội địa, đồng thời chỉ ra những cơ hội và thách thức trong giai đoạn 2024–2025.
![]() |
Ông Trần Anh Thắng – Thành viên HĐQT Eximbank |
Chi tiêu hộ gia đình đang chiếm khoảng 53–57% GDP Việt Nam. Đây là minh chứng rõ ràng cho vai trò của tiêu dùng nội địa trong nền kinh tế. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng từ gần 4,4 triệu tỷ đồng năm 2018 lên 6,39 triệu tỷ đồng năm 2024.
Ông Thắng cho rằng trong bối cảnh mục tiêu GDP năm 2025 đặt ra mức tối thiểu 8%, tín dụng tiêu dùng cần được coi là “đòn bẩy tài chính” để thúc đẩy cầu trong nước, bù đắp sự giảm tốc từ xuất khẩu.
Tác động của thuế quan mới từ Mỹ, đặc biệt với hàng Trung Quốc, có thể gây áp lực gián tiếp lên giá hàng hóa tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để hàng Việt vươn lên thay thế, nếu đáp ứng tốt về chất lượng và nguồn cung. Ông Thắng nhấn mạnh: “Đây là thời điểm vàng để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa, thông qua các chương trình khuyến mãi kết hợp với tín dụng tiêu dùng ưu đãi”.
Tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ toàn nền kinh tế giảm từ gần 15% năm 2023 còn 12% năm 2024. Điều này một phần do thắt chặt tín dụng, nhưng cũng phản ánh khoảng cách tăng trưởng giữa chi tiêu và tín dụng.
Do đó, ông Thắng cảnh báo: “Chúng ta cần không chỉ bơm vốn, mà phải đi kèm tăng thu nhập và củng cố niềm tin tiêu dùng để tín dụng tiêu dùng phát huy hiệu quả thực chất”.
Để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng hiệu quả, cần phát triển các sản phẩm vay linh hoạt, dễ tiếp cận cho người dân. Trong đó, các gói vay nhỏ không yêu cầu tài sản đảm bảo nên tập trung vào nhu cầu thiết thực như học phí, mua sắm đồ gia dụng, du lịch nội địa. Đồng thời, đẩy mạnh các sản phẩm tín dụng xanh phục vụ tiêu dùng bền vững như vay mua xe điện, thiết bị tiết kiệm năng lượng...
Việc đẩy mạnh số hóa và hợp tác với các nền tảng công nghệ cũng là giải pháp quan trọng. Ngân hàng cần mở rộng hợp tác với các nền tảng BNPL, fintech, thương mại điện tử để tiếp cận nhóm khách hàng trẻ.
Song song đó, các nhóm yếu thế như công nhân, người thu nhập thấp, lao động tự do cần được hỗ trợ tiếp cận tín dụng thông qua cơ chế bảo hiểm rủi ro hoặc bảo lãnh cộng đồng. Việc mở rộng độ phủ tín dụng tới các khu vực nông thôn, vùng sâu – nơi nhu cầu lớn nhưng hạ tầng tài chính còn hạn chế – cũng rất cần thiết. Đồng thời, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp bán lẻ triển khai các gói vay 0% lãi suất kèm khuyến mãi, kết hợp chính sách thuế và trợ giá từ Nhà nước.
Ông Trần Anh Thắng kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có những điều chỉnh chính sách linh hoạt và thực tiễn hơn nhằm thúc đẩy tín dụng tiêu dùng. Cụ thể, nên ưu tiên phân bổ “room” tín dụng cho vay tiêu dùng, đặc biệt đối với các khoản vay thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Đồng thời, cần xem xét cơ chế hỗ trợ như bù lãi suất để giảm chi phí vay, qua đó kích thích tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, việc mở rộng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu tín dụng quốc gia sẽ giúp các ngân hàng tăng tốc phê duyệt hồ sơ vay, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Cuối cùng, tín dụng tiêu dùng cần được tích hợp vào các chương trình kích cầu quốc gia, đóng vai trò như một công cụ tài chính quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong giai đoạn mới.
Tín dụng tiêu dùng không chỉ là kênh tài chính giúp người dân tiếp cận tiêu dùng hiện đại mà còn là công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy sản xuất, dịch vụ trong nước. Để phát huy vai trò này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhằm tối ưu hóa tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần thêm động lực tăng trưởng bền vững.