Ngày 21/5/2025, tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thời báo Ngân hàng phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức Tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI. Sự kiện quy tụ hơn 300 lãnh đạo đại diện các cơ quan chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính - công nghệ tài chính (fintech) và các tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng biến động và chịu tác động mạnh từ các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị (ESG), phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm xã hội mang tính tự nguyện đã trở thành một yếu tố cốt lõi trong chiến lược kinh doanh của các tổ chức tài chính. Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng, không chỉ phải quản lý các rủi ro tài chính truyền thống mà còn cần chủ động nhận diện, đo lường vừa kiểm soát những rủi ro, vừa tận dụng cơ hội liên quan đến ESG trong hoạt động cho vay, đầu tư và vận hành nội bộ.
Việc tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh và quản trị nội bộ sẽ tạo nền tảng quan trọng giúp hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng xanh, bao trùm.
![]() |
Tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI”. Ảnh: Hà Anh. |
Chia sẻ tại Toạ đàm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, năm 2024 số lượng doanh nghiệp lập Báo cáo Phát triển bền vững riêng biệt tăng kỷ lục là 33 tổ chức. Hầu hết các tổ chức tín dụng đã báo cáo và tích hợp nội dung phát triển bền vững trong Báo cáo thường niên cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của ngành Ngân hàng đối với ESG.
“Có khoảng 13-15 ngân hàng thương mại đã công bố được Báo cáo phát triển bền vững độc lập của mình. Xu hướng công bố Báo cáo phát triển bền vững tăng mạnh trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 khi mới đây có thêm 6 ngân hàng thương mại chính thức công bố Báo cáo phát triển bền vững của mình”, ông Hà nói.
Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của Phó Thống đốc, việc thực hành và công bố Báo cáo Phát triển bền vững tại Việt Nam, đặc biệt là trong ngành Ngân hàng vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, còn nhiều thách thức trong quá trình triển khai phát triển bền vững và ESG như khung pháp lý, nguồn lực, năng lực phân tích dữ liệu và đặc biệt là cách thức thu thập, xử lý thông tin một cách hiệu quả và minh bạch.
![]() |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu tại Tọa đàm. |
Chính vì vậy, việc ứng dụng AI và các công nghệ số hiện đại được xem là giải pháp then chốt, giúp nâng cao hiệu quả quản trị dữ liệu, tăng cường năng lực phân tích, giám sát và hỗ trợ quá trình ra quyết định một cách kịp thời, minh bạch. Qua đó, giúp ngành ngân hàng phát triển bền vững.
Trong bài phát biểu với tiêu đề “Chuẩn mực toàn cầu và vai trò của AI trong báo cáo phát triển bền vững ngành ngân hàng”, ông Mike Suffield – Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu Chuyên sâu, ACCA toàn cầu nhấn mạnh tiềm năng mang tính chuyển đổi của AI, đồng thời cảnh báo các rủi ro như thiên lệch dữ liệu, hạn chế trong tính minh bạch của thuật toán và hiện tượng “greenwashing” (tẩy xanh). Song ông Mike Suffield cũng khuyến nghị, AI có thể hỗ trợ việc công bố thông tin phát triển bền vững một cách hiệu quả, ý nghĩa và chặt chẽ hơn, nhưng nó phải được sử dụng một cách có đạo đức, minh bạch và phù hợp với các khuôn khổ quốc tế...
Tại Tọa đàm, nhiều chủ đề đang rất được quan tâm được đề cập tới như nhu cầu ngày càng tăng đối với công bố thông tin ESG chất lượng cao, việc sử dụng AI một cách có đạo đức trong báo cáo phát triển bền vững, và việc tích hợp các chuẩn mực phát triển bền vững toàn cầu vào các tổ chức tài chính tại Việt Nam.