Quảng Bình: Tập trung việc xây dựng chính quyền điện tử

20:57 02/04/2021

Để phát triển toàn diện, Quảng Bình đang đẩy nhanh việc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, nhằm tăng hiệu quả quản lý Nhà nước và làm nền tảng cho phát triển đô thị thông minh về sau.

 

Quảng Bình tập trung việc xây dựng chính quyền điện tử

Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình cho biết: Việc ứng dụng Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc đã góp phần đưa tỷ lệ văn bản luân chuyển qua mạng toàn tỉnh đạt trên 80%. Hệ thống phần mềm Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được triển khai tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan nhà nước.

Hạ tầng viễn thông, internet trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mạng thông tin di động 3G, 4G, internet tốc độ cao cơ bản đến các địa bàn dân cư của 159/159 xã, phường, thị trấn.

Trung tâm Dữ liệu điện tử, Trung tâm Điều hành thông minh được nâng cấp, đầu tư mới, vận hành trong nhiều tháng. Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh kết nối với Trung ương phục vụ các cuộc họp…

Tuy vậy, việc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Hạ tầng viễn thông, internet, tốc độ đường truyền chưa đáp ứng đủ yêu cầu; nhận thức của cán bộ, nhân dân về ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc còn hạn chế; một số hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm dùng chung chưa phát huy hết hiệu quả.

Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nêu rõ: Việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh là một trong những vấn đề cốt lõi để tỉnh Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII cũng đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Vì vậy, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện quyết liệt. Cần áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, để công nghệ thông tin trở thành công cụ hữu hiệu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các công việc, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Về giải pháp gỡ bỏ hạn chế, bất cập trong xây dựng chính quyền điện tử, UBND tỉnh đề nghị: Cán bộ, công chức, viên chức quyết tâm đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ thường xuyên vào công việc của cơ quan mình.

Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, thực hiện các thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính.

Trọng Lãnh