Phục hồi phát triển kinh tế: Le lói "ánh sáng cuối đường hầm"

00:00 12/10/2020

Những thông tin về thị trường trong và ngoài nước cho thấy chưa bao giờ kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chồng chất như hiện nay. Tuy nhiên, trong tương lai gần vẫn nhìn thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm".

Phục hồi phát triển kinh tế: Le lói

Dịch Covid-19 diễn biến khó lường

Cho đến thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn diễn ra rất phức tạp. Trung Quốc - nơi khởi phát của loại dịch này đang phát hiện làn sóng lây nhiễm mới lan tới thành phố thứ hai thuộc Tân Cương. Trong khi đó, Kate Bingham - Chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm Vắc xin của Anh cảnh báo không nên quá lạc quan về việc sẽ tìm ra một loại vắc xin phòng ngừa Covid-19. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 20/7/2020 cũng thừa nhận, hiện có sự "phóng đại" về việc chắc chắn sẽ có một loại vắc xin chống SARS-CoV-2 "trình làng" trong năm nay hoặc năm tới. Do đó, ông Johnson yêu cầu người dân Anh nên tuân thủ nghiêm việc giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch khác.

Khi chưa kiểm soát được dịch bệnh, cách ly xã hội vẫn là biện pháp cần thiết, điều này khiến nền kinh tế bị đứt gãy. Do đó, nền kinh tế toàn cầu có thể giảm 6% trong năm nay. Dự báo ảm đạm này được đưa ra bởi các tổ chức tài chính có uy tín.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 5,2% trong năm 2020. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo, một làn sóng nhiễm Covid-19 thứ hai sẽ dẫn đến sự gián đoạn và gây ra nhiều "vết sẹo" cho nền kinh tế hơn nữa. "Cuối năm 2021, việc giảm và mất thu nhập sẽ vượt qua bất kỳ cuộc suy thoái nào trong 100 năm qua, ngoài thời chiến, với những hậu quả tàn khốc và lâu dài đối với người dân, các công ty và chính phủ", Kinh tế trưởng OECD Laurence Boone nói.

OECD cho biết sự suy thoái có thể còn tồi tệ hơn nếu một đợt bùng phát Covid-19 toàn cầu thứ hai xảy ra trong những tháng tới. Điều đó sẽ khiến GDP toàn cầu giảm 7,6% trong năm nay. Cũng theo tổ chức này, khó có thể hình dung được sự phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay cả khi tránh được một đợt nhiễm thứ hai. Một số ngành công nghiệp sẽ bị giảm hoạt động trong một thời gian dài mặc dù các chương trình kích thích khổng lồ được chính phủ và ngân hàng trung ương áp dụng.

Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Đây là những thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam. Trong trường hợp tránh được làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, OECD dự kiến nền kinh tế Anh sẽ giảm 11,5% trong năm nay, trong khi Tây Ban Nha, Pháp và Ý sẽ phải gánh chịu hơn 11%. Kinh tế của Mỹ dự kiến sẽ giảm 7,3% trong năm 2020. Với Việt Nam, việc mở cửa đường bay với các nước phải đợi đến sau tháng 9 khiến lượng khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam giảm thê thảm. Ngành dịch vụ bị tổn thất nặng nề kéo theo đó là hàng triệu người mất việc làm.

Công ty CP Tập đoàn FLC là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Diễn biến dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất tới ngành du lịch - hàng không và các dịch vụ thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, đây đều là những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của FLC khiến tập đoàn này lỗ nặng, mất hàng nghìn tỷ đồng trong 6 tháng qua.

Thủ tục hành chính bất cập

Những biến động xấu của nền kinh tế là phép thử đối với bộ máy hành chính, đặc biệt là ở năm cuối của một nhiệm kỳ. Công cuộc chống tham nhũng đang góp phần làm trong sạch bộ máy nhưng mặt khác cũng khiến bộ máy thiếu năng động, hơn, sợ trách nhiệm, đặc biệt với những vấn "nhạy cảm" của doanh nghiệp. 

Kinh tế thế giới suy thoái, xuất khẩu của Việt Nam khó tăng. Chính phủ đã triển khai một lượng lớn tiền để kích thích nền kinh tế phát triển, đối phó với khủng hoảng, nhưng sẽ không thể hỗ trợ tiền lương, việc làm và kinh doanh trong thời gian dài.

Để kích cầu nền kinh tế, Chính phủ chủ trương tăng cường giải ngân đầu tư công, nhưng không dễ. Tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trong năm 2020 dự kiến xấp xỉ 700.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 6 tháng, con số thực hiện mới đạt khoảng 154.400 tỷ đồng, hơn 20%. Lý do của sự chậm trễ là vướng ở thủ tục hành chính. Tại cuộc họp sơ kết tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất cương quyết xử lý việc chậm giải ngân vốn đầu tư công nhưng chuyển biến vẫn chưa được như mong muốn.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho ngành du lịch và xuất khẩu, hai động lực chính của nền kinh tế Việt Nam gặp khó. Trong các giải pháp để kích cầu, Chính phủ chủ trương dỡ bỏ một số rào cản cho các nhà đầu tư. Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ được điều chỉnh mở rộng từ 600ha lên thành 2.870ha với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 9 tỷ USD của Vingroup là một trong số những dự án lớn được Chính phủ ủng hộ trong năm nay. Vài dự án lớn khác có thể kể đến gồm xây dựng đường cao tốc trị giá 208 triệu USD ở đồng bằng sông Cửu Long, khu công nghiệp trị giá 52 triệu USD ở tỉnh Bình Phước và ba sân golf ở các tỉnh phía Bắc có trị giá tổng cộng 130 triệu USD…

Trong nguy có cơ

Dịch bệnh kéo dài, nhiều nước trên thế giới liên tục có những gói kích thích tài khóa khổng lồ, hơn 11.000 tỷ USD, khiến thâm hụt ngân sách toàn cầu lên đến 13,9% GDP. Với Việt Nam, tỷ lệ nợ công đang ở mức khiêm tốn, khoảng 54-55% GDP, mặt bằng lãi suất còn cao, kinh tế vĩ mô ổn định, vì thế còn dư địa để thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ. Bên cạnh đó, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3-4% GDP mà không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải có phương án, giải pháp sử dụng vốn hiệu quả.

Thời suy thoái, các công ty có thể tận dụng cơ hội để tái cấu trúc, hỗ trợ tiền lương và đào tạo nghề cho người lao động. Song song đó cần phải chuyển từ các bộ phận "bị hư hại" của nền kinh tế sang các lĩnh vực đang phát triển. Mặc dù điều này sẽ không xảy ra đủ nhanh để ngăn thất nghiệp gia tăng.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang ngập sâu trong khó khăn, Việt Nam là điểm đến được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Điều quan trọng là Việt Nam có tranh thủ được đợt dịch chuyển đầu tư này hay không. 

Phan Thế Hải