Kinh tế số và công nghệ chiến lược: Lối đi tất yếu cho mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam Doanh nghiệp nhỏ và vừa Vĩnh Long: Đổi mới để phát triển bền vững |
Tại Diễn đàn "Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề phát triển kinh tế xã hội" do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức ngày 17/7/2025, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ, mà là một sự thay đổi toàn diện về tư duy, văn hóa tổ chức để kiến tạo nên một "hệ sinh thái thông minh" phục vụ trọn vẹn cuộc sống người dân.
![]() |
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) (Ảnh: Phan Chính) |
Không chỉ là công nghệ, đó là cuộc cách mạng về tư duy
Vấn đề này, ông Lê Anh Dũng khẳng định, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng không phải là một lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu trước sự phát triển vũ bão của kinh tế số, sự thay đổi trong hành vi khách hàng và áp lực cạnh tranh từ các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và công nghệ lớn (BigTech).
"Đối với ngành ngân hàng, chúng tôi quan niệm chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ đơn thuần," ông Dũng khẳng định và cho biết: "Đó là sự thay đổi toàn diện và triệt để về tư duy, về văn hóa tổ chức và cách thức triển khai".
Sự chủ động này được thể hiện rõ khi ngay sau Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tiên phong ban hành Kế hoạch 810, đặt ra những trụ cột lớn cho quá trình chuyển đổi số của ngành, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, phát triển ứng dụng ngân hàng số và đặc biệt là ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ người dân hiệu quả hơn.
Trọng tâm trong chiến lược của ngành ngân hàng là phát triển mộ "hệ sinh thái số thông minh". Đây là một cấu trúc hiện đại, nơi ngân hàng không còn hoạt động đơn lẻ mà trở thành một trung tâm kết nối, liên kết toàn trình với các đối tác Fintech và các công ty công nghệ, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực phi tài chính.
"Tương lai của ngân hàng không chỉ là cung cấp các sản phẩm tài chính như cho vay hay gửi tiền," ông Dũng phân tích và nói thêm: "Mà là mở rộng ra cung cấp cả những dịch vụ phi tài chính, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của khách hàng, từ y tế, giáo dục, giao thông đến các dịch vụ công."
Mô hình này cho phép ngân hàng, thông qua các kết nối API mở (Open API), tích hợp dịch vụ của mình vào các nền tảng khác và ngược lại, tạo ra một trải nghiệm liền mạch. Một khách hàng có thể thanh toán viện phí, đóng học phí, nộp thuế, trả tiền điện, nước... tất cả trên một ứng dụng duy nhất. Ngân hàng khi đó không chỉ là nơi giữ tiền, mà là một trợ lý thông minh, phục vụ trọn vẹn nhu cầu trong cuộc sống số của người dân.
![]() |
Quang cảnh Diễn đàn “Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội” |
Những thành tựu ấn tượng và thách thức đi kèm
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng đã sẵn sàng cả về hạ tầng và sản phẩm dịch vụ để phục vụ cho việc số hóa dịch vụ công. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NAPAS có khả năng xử lý tới 25 triệu giao dịch mỗi ngày. 87% người dân trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng, tạo nền tảng vững chắc cho tài chính toàn diện.
Đặc biệt, việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06) đã tạo ra bước đột phá. Hơn 121 triệu hồ sơ khách hàng đã được đối chiếu, làm sạch dữ liệu, tạo tiền đề cho việc định danh khách hàng điện tử (eKYC) an toàn, cho phép người dân mở tài khoản từ xa chỉ với điện thoại thông minh. Các hình thức thanh toán hiện đại như thanh toán qua mã QR đã "đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống".
“Tuy nhiên, thách thức vẫn còn ở phía trước. Rủi ro về an ninh mạng, lừa đảo gian lận ngày càng tinh vi. Khung pháp lý cần liên tục cập nhật để bắt kịp công nghệ. Vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao và việc thay đổi văn hóa tổ chức để thích ứng với các mô hình làm việc linh hoạt, tinh gọn (Agile) cũng là những bài toán lớn cần giải quyết”, ông Dũng chia sẻ.
Để tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi, NHNN sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm. Trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các quy định về bảo mật dữ liệu, các xu hướng mới như ngân hàng mở và Fintech. Ngành sẽ tăng cường đầu tư vào các công nghệ cốt lõi như Trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây (Cloud) và Dữ liệu lớn (Big Data).
Một trong những ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy các kết nối thanh toán xuyên biên giới, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và du lịch. Hiện Việt Nam đã kết nối thành công với Thái Lan, Campuchia, Lào và đang hướng tới các thị trường tiềm năng khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Cuối cùng, ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân thông qua các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính, đặc biệt hướng đến các đối tượng yếu thế, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng số.