Trụ cột kinh tế địa phương- Đổi mới để sống còn
Theo quan điểm của Chính phủ với mục tiêu phát triển DNNVV nhanh, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.
Đặc biệt là ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển DNNVV, trong đó tập trung vào hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh tham gia chuỗi giá trị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
![]() |
Chủ động tăng cường liên kết doanh nghiệp- doanh nghiệp, chủ động hợp tác với các doanh nghiệp cùng ngành hoặc bổ trợ trong tỉnh mở rộng để chia sẻ nguồn lực. |
Bên cạnh đó, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp là khó khăn của mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ trên tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng mà không làm”, “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự”, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; giao nhiệm vụ cụ thể trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”…
Thời gian vừa qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển DNNVV. Trong đó, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện về hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho DNNVV.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long ( cũ) tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có hơn 5.700 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó trên 97% là DNNVV. Những doanh nghiệp này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: sản xuất nông sản, thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm, xây dựng, thương mại dịch vụ và logistics nội địa.
![]() |
Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thêm nhiều động lực, trợ lực để phát triển nhanh và bền vững |
Mặc dù quy mô còn nhỏ, nguồn vốn hạn chế, năng lực công nghệ còn ở mức trung bình, nhưng DNNVV Vĩnh Long chính là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và duy trì ổn định chuỗi cung ứng địa phương.
Ông Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc một cơ sở chế biến nông sản tại huyện Tam Bình chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ sản xuất mà còn kết nối với hàng trăm nông hộ để tạo vùng nguyên liệu ổn định. Dù nhỏ, nhưng nếu biết cách xoay xở, sáng tạo, thì vẫn sống khỏe và đóng góp tốt cho kinh tế địa phương.”
Giai đoạn hậu COVID-19 và những thách thức kinh tế toàn cầu đã cho thấy một thực tế: Doanh nghiệp nào không đổi mới, doanh nghiệp đó tụt lại phía sau. Tại Vĩnh Long, làn sóng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và tham gia vào các chuỗi giá trị mới đang được khối DNNVV hưởng ứng tích cực.
Bà Lê Thị Mai Lan, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm đóng gói tại TP Vĩnh Long, đã mạnh dạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mua sắm dây chuyền đóng gói tự động, đạt chuẩn HACCP, đồng thời đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử: “Chỉ trong năm đầu chuyển đổi, doanh thu tăng gấp đôi, đơn hàng từ các tỉnh phía Bắc và cả nước ngoài bắt đầu tìm đến.”
Không chỉ đổi mới công nghệ, nhiều doanh nghiệp còn cải tiến phương thức quản lý, đào tạo nhân sự và tham gia các chương trình kết nối doanh nghiệp – thị trường do tỉnh tổ chức. Đặc biệt, phong trào "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" đang thổi một làn gió mới vào giới trẻ, sinh viên và các hộ sản xuất nhỏ – hình thành lớp doanh nhân thế hệ mới với tư duy kinh doanh bền vững, thân thiện môi trường và gắn với nông nghiệp sạch.
Hỗ trợ từ chính quyền: Đồng hành và tạo động lực
Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Long (cũ), hiện DNNVV có khát vọng phát triển. Hiện nay, hiệp hội cũng đã có nhiều hội DN địa phương, các CLB DN quy mô lớn để hướng đến phát triển DN có thương hiệu mạnh.
Thời gian qua các cấp chính quyền tỉnh đã có sự quan tâm và đồng hành cùng DN tỉnh nhà. Qua đó, tạo thêm động lực thúc đẩy DN, đặc biệt là DNNVV phát triển bền vững hơn.
Chính quyền tỉnh Vĩnh Long xác định, hỗ trợ DNNVV không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là chính sách xã hội quan trọng. Trong năm 2025, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ như: Hỗ trợ lãi suất vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới công nghệ; Đào tạo kỹ năng quản trị, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu; Kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong và ngoài nước; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong chế biến nông sản, bảo quản sau thu hoạch.
![]() |
Hiện tỉnh có nhiều chương trình hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT Vĩnh Long ( cũ) nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định DNNVV là hạt nhân để thúc đẩy kinh tế nội sinh. Việc hỗ trợ phải thực chất, sát nhu cầu, và kéo dài trong nhiều năm để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển lâu dài.”
Hiện tỉnh Vĩnh Long có 15.500 DN, trong đó một số là DN FDI và DN lớn, còn lại hầu hết là DN nhỏ và siêu nhỏ. Với vị trí địa lý là trung tâm của ĐBSCL, việc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Long mới sẽ tạo ra dư địa phát triển rất lớn cho cộng đồng DN tỉnh nhà.
Trong khi đó, UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương tổ chức các hoạt động kết nối các DN phân phối và các DN sản xuất hàng hóa; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng sản xuất tại địa phương, các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hỗ trợ tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, đặc biệt đối với hàng xuất khẩu khi thị trường quốc tế gặp khó khăn;…
Một xu hướng đáng chú ý là nhiều DNNVV tại Vĩnh Long đang hướng đến mô hình phát triển xanh: sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu thân thiện với môi trường, và xây dựng mô hình kinh doanh tuần hoàn. Những tín hiệu này không chỉ bắt kịp xu thế toàn cầu mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh nhận định: “Nếu DNNVV biết tận dụng lợi thế địa phương – như trái cây nhiệt đới, nông sản đặc thù, lao động lành nghề – và kết hợp với đổi mới sáng tạo, thì hoàn toàn có thể vươn ra khu vực.”
Trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, thì yêu cầu đối với các DNNVV không còn dừng lại ở chỗ “tồn tại”, mà là “phát triển có trách nhiệm, có chiều sâu và có giá trị bền vững”.
Với định hướng đúng đắn từ chính quyền, sự năng động từ bản thân doanh nghiệp và tinh thần đổi mới mạnh mẽ từ thế hệ trẻ, Vĩnh Long đang dần trở thành một “vườn ươm” lý tưởng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển xanh, sạch và bền vững – góp phần quan trọng vào hành trình kiến tạo nền kinh tế địa phương tự cường trong tương lai gần.