Tỉnh lớn nhưng bộ máy tinh gọn
Việc hợp nhất 3 tỉnh (Vĩnh Long- Bến Tre- Trà Vinh) được xác định là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm ngân sách và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Ba tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hoá, xã hội, lịch sử hình thành đơn vị hành chính cũng như sự gắn kết về dân cư, giao thông và hạ tầng.
![]() |
Trung tâm hành chính tỉnh Vĩnh Long |
Việc hợp nhất sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng, khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương
Có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phát triển khá đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển ngày càng cao của mỗi tỉnh và khu vực; kết nối với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bằng các tuyến giao thông huyết mạch như: quốc lộ (QL) 1, QL53, QL53B, QL57, QL57B, QL57C, QL60, QL54, QL80 cùng các cây cầu: Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Hàm Luông, Đại Ngãi, Cần Thơ... đặc biệt là các tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, Mỹ Thuận- Cần Thơ được kết nối thông suốt, cùng với hệ thống giao thông đường tỉnh, đường huyện được tập trung đầu tư, nâng cấp góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh trong những năm qua, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển du lịch, thương mại, hợp tác đầu tư trong và ngoài nước.
Những năm qua, cùng với sự ưu tiên quan tâm đầu tư của Trung ương, kinh tế- xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long nói riêng có sự phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại- dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông- lâm- ngư nghiệp; mô hình tăng trưởng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu và không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng; khai thác hiệu quả và tối đa các tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản... và từng bước khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và cây ăn quả của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kinh tế phát triển đa chiều
Sở hữu vùng nguyên liệu lớn, đặc biệt là tiềm năng năng lượng sạch dồi dào cùng định hướng phát triển rõ ràng, tỉnh Vĩnh Long sau hợp nhất hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.
Sau khi sáp nhập, tỉnh Vĩnh Long mới là một trong những tỉnh có quy mô lớn ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn nữa, trước sáp nhập, các tỉnh này đều có vị trí cửa ngõ chiến lược của khu vực hạ lưu sông Mekong, có vai trò quan trọng về kinh tế biển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp năng lượng tái tạo, văn hóa - xã hội, và tiềm năng du lịch đa dạng.
Đặc biệt, Vĩnh Long sẽ trở thành tỉnh có vùng nguyên liệu dừa lớn nhất nước với tổng diện tích hơn 100.000 ha. Trong đó, Bến Tre( cũ) chiếm hơn 80.000 ha, Trà Vinh( cũ) khoảng 27.500 ha và Vĩnh Long( cũ) khoảng 15.000 ha. Mỗi năm, địa phương này cung cấp hơn 1 tỷ trái dừa, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào và ổn định cho ngành chế biến và xuất khẩu.
![]() |
Vĩnh Long sẽ trở thành tỉnh có vùng nguyên liệu dừa lớn nhất nước với diện tích hơn 100.000 ha |
Nói về nuôi tôm, nghề nuôi tôm thì ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh là các tỉnh có thế mạnh. Sở dĩ 2 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh có thế mạnh, tiềm năng to lớn trong nuôi tôm là bởi, cả hai tỉnh đều có bờ biển dài, tiếp giáp với biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi tôm nước lợ và nước mặn.
Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt ở tỉnh Bến Tre, Trà Vinh cung cấp nguồn nước dồi dào, là yếu tố quan trọng cho nuôi tôm. Đồng thời, hệ thống này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp và thoát nước trong quá trình nuôi.
Thêm vào đó, diện tích đất bãi bồi ven biển rộng lớn, thích hợp cho việc xây dựng ao nuôi tôm với chi phí tương đối thấp. Khí hậu nhiệt đới gió mùa với nhiệt độ và độ ẩm cao, ít có sự biến động lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm sinh trưởng và phát triển quanh năm.
Trước đây, nguồn tôm giống tự nhiên phong phú cũng là một lợi thế, mặc dù hiện nay ngành giống nhân tạo đã phát triển mạnh mẽ hơn.
![]() |
Sáp nhập Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, mở rộng cửa cho nuôi tôm công nghệ cao |
Người dân Bến Tre và Trà Vinh có kinh nghiệm lâu đời trong việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Các kỹ thuật nuôi truyền thống được tích lũy qua nhiều thế hệ đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành.Ngành nuôi tôm Trà Vinh đạt sản lượng gần 248.000 tấn, giá trị trên 7.500 tỷ đồng năm 2024 – đóng góp vào thế mạnh thủy sản toàn vùng sau sáp nhập.
Ngoài ra, ngành công nghiệp- xây dựng và dịch vụ cũng ghi nhận con số tăng trưởng đáng kể. Năm 2024, GRDP của Vĩnh Long đạt khoảng 43.942 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5%, thu ngân sách đạt 104% kế hoạch, vốn đầu tư xã hội đạt 19.140 tỷ đồng, tăng 9% so với 2023.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng gần 14%; thương mại – dịch vụ phát triển mạnh: tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 70.390 tỷ đồng, tăng 13%; du lịch đạt 1,85 triệu lượt khách, doanh thu 920 tỷ đồng, tăng 27% và 37% tương ứng so với cùng kỳ.
Vị trí chiến lược – Hạ tầng kết nối.
Không chỉ nổi bật với nông nghiệp, chăn nuôi hay thủy sản, địa phương sau khi sáp nhập sẽ trở thành trung tâm năng lượng sạch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vĩnh Long mới nằm giữa hạ lưu sông Tiền – Hậu, giáp biển Đông với bờ biển dài hơn 100 km, chạy qua Trà Vinh và Bến Tre. Gió ở đây thổi đều quanh năm với tốc độ từ 6,5 - 7,5 m/giây, cộng thêm hơn 2.400 giờ nắng mỗi năm, là điều kiện lý tưởng để phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời.
Hiện tại, nhiều dự án điện gió ven biển và ngoài khơi đang được triển khai như cụm điện gió Duyên Hải, Long Toàn (Trà Vinh) Thanh Phong hay Thạnh Phú (Bến Tre). Riêng Trà Vinh đã có 5 nhà máy điện gió đi vào hoạt động, tổng công suất đạt 322 MW. Bên cạnh đó, còn 4 dự án đang xây dựng (344 MW) và 9 dự án gần bờ (924 MW) đang mời gọi đầu tư. Các dự án này đều sử dụng công nghệ hiện đại như tuabin gió mới, móng đơn monopile, truyền tải điện bằng cáp ngầm, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, tiến độ thi công và trách nhiệm tài chính.
![]() |
Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 100 km, tỉnh Vĩnh Long sau sáp nhập được kỳ vọng sẽ thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện gió và trở thành trung tâm năng lượng xanh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hồ Thảo |
Theo ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - cho biết, địa phương đang hướng tới phát triển toàn diện, hiện đại, có hạ tầng đồng bộ, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, mang lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Cụ thể, Vĩnh Long lấy nông nghiệp làm trọng tâm, nhưng không làm theo kiểu cũ mà đang chuyển mình theo hướng kinh tế nông nghiệp hiện đại. Tỉnh chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng các vùng sản xuất lớn gắn với chế biến, thương hiệu và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ, vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao giá trị. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cũng được tính toán kỹ lưỡng, nhất là với đất trồng lúa, sao cho sử dụng đất hiệu quả hơn. Mục tiêu lâu dài là biến Vĩnh Long thành trung tâm giống cây trồng cho toàn khu vực.
![]() |
Ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (mới) |
Về công nghiệp, tỉnh hướng tới phát triển các ngành chế biến sâu nông sản, thực phẩm, thủy sản và công nghiệp hỗ trợ phục vụ nông nghiệp. Những doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường luôn được tỉnh ưu tiên mời gọi. "Đây là thời điểm thuận lợi để Vĩnh Long sắp xếp lại không gian phát triển, giải quyết những điểm nghẽn còn tồn đọng và tạo không gian mở, đón sóng đầu tư, để đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới", ông Ngời nhấn mạnh.
Văn hóa – xã hội và tiềm năng du lịch mới
Trong bức tranh tái cấu trúc hành chính, có một điều đặc biệt: chỉ duy nhất Vĩnh Long sở hữu “Vương quốc đỏ” – danh xưng hình ảnh dành cho làng gạch gốm Mang Thít – một di sản đương đại độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Từ hơn một thế kỷ trước, người dân Mang Thít đã sử dụng đất sét ven sông Cổ Chiên để làm nên những viên gạch đỏ thắm, từng viên gạch đều là kết tinh của đất – nước – lửa – và bàn tay người thợ. Hàng nghìn lò gạch hình vòm hiện lên như những ngọn tháp đỏ rực bên bờ sông, làm nên một khung cảnh độc đáo hiếm có trên bản đồ du lịch và văn hóa quốc gia.
Sau khi sáp nhập, với tiềm lực và diện tích mở rộng, tỉnh Vĩnh Long mới đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển hóa các tài sản văn hóa thành lợi thế phát triển bền vững. Trong đó, di sản gạch gốm Mang Thít không chỉ là một “di tích sống”, mà còn là nền tảng để phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sáng tạo, du lịch cộng đồng – những xu hướng được ưa chuộng trong bối cảnh du lịch đa phương tiện.
![]() |
Vĩnh Long là tỉnh duy nhất sở hữu “Vương quốc đỏ” – danh xưng hình ảnh dành cho làng gạch gốm Mang Thít – một di sản đương đại độc nhất vô nhị ở Việt Nam |
Du khách đến đây có thể tham quan lò gạch thủ công, thử nhào đất, nặn gốm, hoặc đơn giản là ngồi giữa không gian gạch đỏ chiều tà, nghe người thợ kể chuyện nghề. Những trải nghiệm ấy không ồn ào, nhưng đủ để chạm đến chiều sâu ký ức – một thứ giá trị mà không vùng đất nào có thể sao chép.
Vĩnh Long mới, với Mang Thít là linh hồn, không chỉ là miền Tây sông nước cây trái, mà còn là miền đất của ký ức và sáng tạo, nơi duy nhất lưu giữ một “vương quốc đỏ” mang đậm tinh thần phương Nam: giản dị mà không hề đơn giản.
Kết hợp di sản văn hóa cùng vùng cây trái đa dạng: dừa sáp, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm, bưởi da xanh – tạo nền tảng đa ngành: du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến,… phát triển toàn diện.
Sau sáp nhập tỉnh Vĩnh Long mới đã rõ ràng định vị là một cực tăng trưởng mới: tỉnh lớn về quy mô, có tiềm năng kinh tế vang dội, kể từ nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo đến du lịch văn hóa – sinh thái. Nhờ hạ tầng vận tải hiện đại và mô hình quản trị tinh gọn, tỉnh mới đang trở thành cầu nối chiến lược trong vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và kết nối với khu vực kinh tế phía Nam.
Trong năm nay, Vĩnh Long sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt tại Hàn Quốc và một số nước châu Âu, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, logistics, hạ tầng khu công nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long, hiện địa phương đang kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách vào 12 dự án lớn thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, du lịch, công nghiệp và môi trường với tổng vốn hơn 13.700 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đang thu hút đầu tư vào một số dự án đô thị quy mô lớn như: khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh tại TP. Vĩnh Long (vốn khoảng 14.000 tỷ đồng), khu đô thị sinh thái Cồn Chim (8.600 tỷ đồng) và khu đô thị nông nghiệp sinh thái An Bình (20.000 tỷ đồng) |