Đây là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch cho Vĩnh Long cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch thuộc địa bàn các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và xã Hòa Tịnh thuộc huyện Mang Thít. Quy mô khu vực lập quy hoạch khoảng 3.060 ha.
Về tính chất, đây là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch cho tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Mục tiêu quy hoạch nhằm khai thác các giá trị và tiềm năng tổng thể, phát triển du lịch cộng đồng thành một trong các trụ cột kinh tế trong mối tương quan phát triển bền vững với các lĩnh vực kinh tế khác, môi trường và xã hội. Đồng thời, đảm bảo an ninh quốc phòng, hình thành một hệ sinh thái cảnh quan - di sản - dịch vụ.
Tạo cơ sở pháp lý về quy hoạch để triển khai các bước tiếp theo của công tác quản lý đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch. Dự báo tổng dân số khu vực lập quy hoạch đến năm 2030 khoảng 34.200 người, trong đó dân số của khu quy hoạch khoảng 23.200 người, dân số tạm trú khác (gồm khách du lịch, lao động con lắc…) khoảng 11.000 người.
Dự báo tổng dân số khu vực lập quy hoạch đến năm 2045 khoảng 61.900 người, trong đó dân số của khu quy hoạch khoảng 32.300 người, dân số tạm trú khác (gồm khách du lịch, lao động con lắc…) khoảng 29.600 người.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt, cho biết, cơ cấu phát triển không gian khu quy hoạch lấy vùng lõi dọc kênh Thầy Cai làm trung tâm. Các khu chức năng gắn với các trục đường chính (đường tỉnh 902, 909, 907) nối kết từ vùng lõi dọc kênh Thầy Cai đến trung tâm TP. Vĩnh Long, trung tâm các huyện Mang Thít, Long Hồ, Vũng Liêm (Vĩnh Long), trung tâm H.Chợ Lách (Bến Tre); phát triển khu vực dân cư nông thôn mở rộng về phía Tây và phía Đông Nam, tạo vành đai - vùng đệm sinh thái nông nghiệp bao quanh khu vùng lõi.
Kênh Thầy Cai được mệnh danh hình ảnh thu nhỏ “Vương quốc lò gạch” Mang Thít nằm trong ranh giới Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít. |
Các trục không gian chính của khu là chuỗi công trình dịch vụ, du lịch, thương mại dọc hai bên kênh Thầy Cai, đường tỉnh 902, tuyến tránh QL57 (đường dẫn Cầu Đình Khao). Các trục không gian mở sẽ là hệ thống cây xanh cảnh quan, công viên cây xanh - thể dục thể thao, cây xanh ven kênh rạch, kết hợp hệ thống cảnh quan bán ngập nước.
Không gian khu quy hoạch được chia thành 9 phân khu, cụ thể:
Khu 1: Khu phát triển hỗn hợp (Dịch vụ - Du lịch - Khu dân cư nông thôn), diện tích đất khoảng 347,10 ha.
Khu 2: Khu phát triển hỗn hợp (Dịch vụ - Khu dân cư đô thị), diện tích đất khoảng 251,25 ha.
Khu 3: Khu dân cư Mỹ An - Hòa Mỹ, diện tích đất khoảng 416,76 ha.
Khu 4: Khu dân cư sinh thái Cái Nhum, diện tích khoảng 167,42 ha.
Khu 5: Khu nghỉ dưỡng sinh thái Mỹ Phước, diện tích khoảng 106,43 ha.
Khu 6: Khu dân cư sinh thái Mỹ Phước, diện tích khoảng 253,76 ha.
Khu 7: Khu dân cư sinh thái Nhơn Phú, diện tích khoảng 309,78 ha.
Khu 8: Khu nghỉ dưỡng sinh thái Hòa Tịnh, diện tích khoảng 194,87 ha.
Khu 9: Khu nông nghiệp sinh thái gắn với khu lò gạch, gốm, diện tích khoảng 1.012,61 ha.
Trước đó, vào tháng 12/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có Quyết định phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít với mục tiêu nhằm bảo tồn và phát triển “vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của địa phương và của quốc gia trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và hệ sinh thái địa phương.
Vùng di sản có diện tích khoảng 3.060 ha, thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm di sản khoảng 5.000 ha, thuộc 2 xã An Phước và Chánh An, huyện Mang Thít làm cơ sở xác định phạm vi khoanh vùng dừng phá dỡ lò gạch và phát triển đề án.
Đề án thực hiện trong giai đoạn 2020 đến 2025, tầm nhìn 2030. Tổng mức đầu tư cho vùng di sản từ nguồn ngân sách tỉnh khoảng 200 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 gồm: đầu tư bảo tồn, duy tu lò gạch; một số dự án hạ tầng cơ bản nền tảng (bến tàu, nạo vét một số tuyến kênh, rạch …) và một số công trình điểm như khu điều hành đón tiếp, khu triển lãm…
Theo thông tin từ Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long thì ngành sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX. Đến những năm giữa thế kỷ XX, toàn tỉnh có 39 lò sản xuất gạch ngói nung, lao động làm gạch thời điểm đó khoảng 600 - 800 người. Đến những năm đầu thế kỷ 21, số lượng lò gạch tăng mạnh lên 2.284 lò.
Riêng ngành sản xuất gốm ra đời năm 1983 và phát triển mạnh từ năm 1997 trở lại đây, với hàng ngàn mẫu mã khác nhau. Sản phẩm gốm Vĩnh Long đã có mặt khắp các châu lục và quốc gia trên thế giới, như: EU, Mỹ, châu Úc, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... với sản lượng gần 50 triệu sản phẩm/năm. Thương hiệu "gốm đỏ Vĩnh Long" nổi tiếng bởi sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, mang lại nhiều giá trị kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong vòng 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh có trên 1.250 lò gạch gốm bị phá dỡ, hiện còn hơn 850 lò.
Hàng ngàn lò gạch có hình dáng tựa như những mái vòm khổng lồ - tương tự các công trình kiến trúc Hồi giáo. |
Mang Thít nằm ven sông Cổ Chiên với hàng ngàn lò gạch có hình dáng tựa như những mái vòm khổng lồ - tương tự các công trình kiến trúc Hồi giáo. Vì vậy nơi đây được mệnh danh là "Vương quốc đỏ". Gạch, gốm Mang Thít có mẫu mã phong phú, có nét riêng nhờ nguồn đất sét đặc biệt và nét tinh hoa được hình thành từ tri thức dân gian của ba dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa.
Từ trước năm 1997, gạch ngói ở nơi đây không chỉ tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy vậy, càng về những năm sau này, phương thức sản xuất thủ công đã không đáp ứng được với nhu cầu phát triển, những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, nên từ sau năm 2000, các lò gạch dần tắt lửa. Một số cơ sở chuyển đổi sang làm gốm sứ trang trí, hàng lưu niệm... Nhiều gia đình dần phá dỡ lò gạch. "Vương quốc đỏ" Mang Thít đứng trước nguy cơ mai một làng nghề truyền thống và mất di tích sau hơn một thế kỷ tồn tại và phát triển.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, trong tổng số 1.424 lò gạch, hiện vẫn còn 877 lò giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, 547 lò đã bị phá dỡ một phần hoặc chỉ còn phế tích. Tuy nhiên, không gian cảnh quan cùng bản sắc văn hóa đậm đặc ở Mang Thít vẫn nguyên sơ, hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch. Những năm gần đây, du khách đến nhiều với vùng đất Mang Thít, đã mở ra cơ hội để "Vương quốc những lò gạch cũ" chuyển hướng từ sản xuất gạch, gốm sang làm du lịch.
“Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch gốm Mang Thít đánh dấu bước phát triển trong bối cảnh mới; bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc riêng của khu vực. Đến năm 2045, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung”- Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đã nhấn mạnh khi nói đến bản Đồ án này.
Với kỳ vọng trở đưa Khu di sản đương đại Mang Thít trở thành điểm đến độc đáo, hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch của Vĩnh Long, bên cạnh nguồn vốn ngân sách, tỉnh xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư Dự án Khu lò gạch, gốm Mang Thít (dự án Khu di sản đương đại Mang Thít) tại các xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh thuộc huyện Mang Thít với diện tích 3.060 ha; ước tổng vốn đầu tư khoảng 3.450 tỷ đồng, theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.