Bí Thư Tỉnh ủy Vĩnh Long - ông Trần Tiến Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Mekong về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số lần thứ 1 với chủ đề “Truyền hình và công nghiệp văn hóa”, diễn ra sáng nay, ngày 09/4/2025, tại tỉnh Vĩnh Long do tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.
Đổi mới, sáng tạo - Vĩnh Long quyết tâm bứt phá kỷ nguyên số
Theo Bí thư tỉnh ủy Trần Tiến Dũng, đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt mới, với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long về đổi mới, sáng tạo để Vĩnh Long bứt phá, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Điều này cũng nhằm thực hiện chủ trương, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đưa ra, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân để đưa đất nước phát triển nhanh và mạnh trong xu thế mới của toàn cầu và theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Bí Thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Tiến Dũng phát biểu tại Diễn đàn Mekong. |
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.”
“Để cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tỉnh Vĩnh Long xác định việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW là nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm, từ đó đã khẩn trương, chủ động, quyết tâm chỉ đạo thực hiện để đạt hiệu quả nhất”- ông Trần Tiến Dũng khẳng định.
Ông cũng cho biết, tỉnh đã kết nối Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 13/01/2025 tại Hà Nội, trực tuyến đến tất cả các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để quán triệt đến toàn thể cán bộ đảng viên. Việc quán triệt Nghị quyết được tổ chức với quy mô và tầm vóc mới, thể hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và cả hệ thống chính trị để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long cũng đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW gồm 21 đồng chí, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; thành lập Tổ Tư vấn và Giúp việc gồm 22 thành viên, có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học từ các trường đại học trên địa bàn tỉnh.
Ban hành Chương trình hành động số 69-CTr/TU, ngày 18/02/2025 để thực hiện Nghị quyết, xác định 07 nhiệm vụ, 08 mục tiêu đến năm 2030 và 05 mục tiêu đến năm 2045, 43 chỉ tiêu cụ thể và 17 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó nổi bật là xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, nâng cấp hạ tầng số; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và hiệu quả quản trị; phát triển mô hình hợp tác công - tư (PPP); bảo đảm tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 80%, giao dịch không dùng tiền mặt đạt trên 85% (cao hơn chỉ tiêu 80% của Nghị quyết); đào tạo, đào tạo lại kỹ thuật viên và nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực then chốt như chip, vi mạch, công nghệ bán dẫn, sinh học, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.
![]() |
Vĩnh Long xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, nâng cấp hạ tầng số; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, đổi mới công nghệ... |
Công tác chuyển đổi số đã từng bước hình thành ba trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, Trung tâm dữ liệu của tỉnh đồng bộ, một số nền tảng số dùng chung và chuyên ngành phục vụ chuyển đổi số. Trong đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển Công nghiệp văn hóa.
Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa
Xác định rõ định hướng phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch, tỉnh Vĩnh Long đã chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh Vĩnh Long và thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Nổi bật, năm 2024, tỉnh đón 1,9 triệu lượt khách, doanh thu đạt 966 tỷ đồng, với nhiều sự kiện văn hóa tiêu biểu tạo được tiếng vang, thu hút nhiều sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Ngày 12/4/2025 sắp tới, tỉnh sẽ công diễn xác lập kỷ lục Việt Nam cho 135 món ẩm thực chế biến có nguyên liệu thanh trà của thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
![]() |
Vĩnh Long tổ chức thành công Festival gạch gốm đỏ năm 2024 thu hút nhiều sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. |
Với điều kiện thuận lợi, ôn hòa được thiên nhiên ưu đãi về vị trí địa lý và tự nhiên, với các đặc tính tốt đẹp, đặc trưng tính cách phương Nam của người Vĩnh Long, tỉnh xác định các loại hình du lịch văn hóa là sản phẩm du lịch đặc thù, phù hợp với xu thế thị trường, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó, Vĩnh Long còn được biết đến với thương hiệu “Truyền hình Vĩnh Long”. Từ năm 2003, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đã số hóa toàn bộ dữ liệu, quy trình sản xuất, lưu trữ và phát sóng. Năm 2009, kênh THVL1 chính thức phát sóng qua vệ tinh Vinasat. Năm 2010, toàn bộ quy trình sản xuất chuyển sang số hóa hoàn toàn, không còn sử dụng băng từ. Tỉnh cũng đã triển khai phân phối nội dung trên nền tảng mạng xã hội và ra mắt nền tảng OTT “THVLi”, cùng ứng dụng nghe phát thanh “THVLaudio”, đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí mọi lúc, mọi nơi. Giai đoạn 2023-2024, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long lọt Top 10 cơ quan báo chí chuyển đổi số xuất sắc toàn quốc.
Những kết quả quan trọng nêu trên, một lần nữa khẳng định vai trò then chốt của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tiêu biểu là trong lĩnh vực truyền hình và công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh thời gian qua.
Công nghiệp văn hóa - Ngành kinh tế mũi nhọn
Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Tiến Dũng cũng một lần nữa khẳng định quyết tâm thực hiện tốt sự lựa chọn bắt buộc, tiến nhanh và tiến chắc, xem đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số là chìa khóa, là giải pháp then chốt đưa tỉnh nhà cùng với cả nước tiến xa trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
“Muốn vậy, tỉnh xác định cần triển khai quyết liệt để đạt 02 mục tiêu trọng tâm: Quản trị xã hội hiệu quả hơn và nâng cao năng suất lao động sản xuất. Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của tỉnh đã xác định, đến năm 2030, kinh tế số đóng góp tối thiểu 30% GRDP (phấn đấu đạt 50% vào năm 2045). Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: tăng cường ứng dụng AI, IoT trong quản lý và các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, văn hóa, du lịch,... Xác định công nghiệp văn hóa cần được xem là ngành kinh tế mũi nhọn. Từ di sản vật thể đến phi vật thể, làng nghề truyền thống đến du lịch thông minh - tất cả có thể được số hóa và kết nối toàn cầu.” - ông Dũng nói.
![]() |
Quang cảnh Diễn đàn. |
Bí thư Trần Tiến Dũng đặc biệt nhấn mạnh rằng việc số hóa di sản và đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử không chỉ là cách để bảo tồn các giá trị văn hóa mà còn mở ra những nguồn thu nhập mới, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Đặc biệt, ông khẳng định vai trò quan trọng của truyền hình và công nghiệp văn hóa trong quá trình này. Tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình, xây dựng một hệ sinh thái nội dung số và kinh tế báo chí vững mạnh. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tăng cường truyền thông chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử và tổ chức nhiều sự kiện đổi mới sáng tạo, với mục tiêu đưa Vĩnh Long trở thành một điểm đến công nghệ số hấp dẫn.