Có tổng mức đầu tư dự kiến 662 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 200 tỷ đồng, vốn vay từ tổ chức tín dụng 462 tỷ đồng, cụm công nghiệp Tân Bình có quy mô diện tích 40,72ha tại xã Tân Bình, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Đây là cụm công nghiệp đa ngành, gồm: công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến; thực phẩm; chế tạo linh kiện, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến nông sản; công nghệ xanh, sạch, thân thiện môi trường...
Tiến độ thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 24 tháng kể từ ngày Cụm công nghiệp được quyết định thành lập. Cụ thể, quý IV/2024 - quý III/2026 triển khai thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào khai thác vận hành.
Vĩnh Long ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đối với các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên. |
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bên cạnh Cụm công nghiệp Trung Nghĩa (xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm) với diện tích 47,98ha đang hoạt động, tỉnh Vĩnh Long định hướng thành lập 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 439ha.
Về chủ đầu tư, Tân Bình Group vừa được thành lập ngày 21/5/2024, trụ sở chính đặt tại số 39Q đường Võ Văn Kiệt, khóm 3, phường 9, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Ngành nghề kinh doanh chính của Tân Bình Group là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Tại thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm ông Nguyễn Duy Thanh góp vốn 1 tỷ đồng, tương đương sở hữu 1% vốn điều lệ tại Tân Bình Group; ông Nguyễn Công Hiệp góp vốn 1 tỷ đồng, tương đương sở hữu 1% vốn; ông Trần Duy Hy là Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của công ty đã góp vốn 98 tỷ đồng, tương đương sở hữu 98% vốn điều lệ.
Được biết, ông Trần Duy Hy là Tổng Giám đốc tại Công ty TNHH Nhựa Duy Tân, đồng thời là chủ sở hữu/người đại diện pháp luật của loạt công ty đang hoạt động gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn DTG, Công ty Cổ phần khuôn chính xác Minh Đạt (nộp thay nhà thầu nước ngoài), Công ty TNHH Nhựa Tái chế Duy Tân (nộp thay nhà thầu nước ngoài), Công ty Cổ phần Nhựa Tái chế Duy Tân, Công ty Cổ phần khuôn chính xác Minh Đạt.
Trong bối cảnh quỹ đất tại các trung tâm công nghiệp lớn ngày càng khan hiếm, chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, thì xu hướng dịch chuyển về các địa phương có vị trí thuận lợi, hạ tầng giao thông kết nối thông suốt, nhanh chóng tới các trung tâm kinh tế lớn là giải pháp tối ưu đối với các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) cũng như nhà đầu tư thứ cấp. Vĩnh Long là địa phương đáp ứng tiêu chí đó và đang rộng mở cơ hội để nhà đầu tư triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, lâu dài.
Cầu Mỹ Thuận 2 đưa Vĩnh Long xích lại gần hơn với TP.H CM tăng thêm sức hấp dẫn về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. |
Với vị trí nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời nằm trên trục kết nối hai trung tâm kinh tế lớn là TP. HCM và TP. Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, hệ thống giao thông thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa, kết nối giao thương với TP. HCM, các tỉnh trong vùng ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước.
Đặc biệt, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc TP. HCM - Cần Thơ thông tuyến vào cuối năm 2023, đã đưa Vĩnh Long xích lại gần hơn với TP. HCM, khi chỉ cách trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước khoảng 100 km, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. HCM về Vĩnh Long chỉ còn khoảng 1,5 giờ đi ô tô, từ đó tăng thêm sức hấp dẫn về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh nói chung, cũng như các KCN trên địa bàn nói riêng.
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đối với các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên. |