Dự án Kết nối DNNVV Việt Nam với các DN nước ngoài do USAID đang triển khai
Tầm nhìn và thay đổi tư duy
Theo ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), tầm nhìn trong những năm tới không chỉ nên bó hẹp trong nền kinh tế Việt Nam mà cần phải xác định và nâng cao được vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế, thương mại khu vực và thế giới cũng như trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Để thực hiện tầm nhìn đó, ngoài việc nghiêm túc tuân thủ và chủ động tham gia xây dựng và triển khai luật chơi quốc tế, cần thay thế tư duy quản lý truyền thống, lo sợ rủi ro sang tư duy quản lý để phát triển (pro-growth).
“Tư duy quản lý truyền thống thì mãi mãi đi sau, vì bao giờ cũng phải chờ người khác làm trước để học. Tư duy quản lý để phát triển mới thực sự tạo cơ hội bứt phá, đi trước người khác, sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở một mức độ nhất định”, ông Thành nói.
Trong khi đó dưới góc nhìn của mình, ông Kyle Kelhofer - Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) nhận định, thương mại thành công chính là tương lai của Việt Nam. Nhưng để thương mại thành công trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn và thách thức hiện nay, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các chuỗi cung ứng trong các ngành kinh tế là rất quan trọng. Đơn cử trong lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo, cho đến nay Việt Nam mới chủ yếu tập trung vào sản xuất và lắp ráp linh kiện trung cấp.
“Điều này tốt, nhưng để đạt được giá trị thực sự và đầy đủ thì Việt Nam cần đầu tư vào các hoạt động tiền sản xuất như đầu tư vào khâu thiết kế, và thậm chí là cần đầu tư vào các hoạt động R&D cũng như các hoạt động sau sản xuất”, ông Kyle Kelhofer khuyến nghị.
Hay trong nông nghiệp – một lĩnh vực được coi là có thế mạnh của Việt Nam và đã có rất nhiều sản phẩm góp mặt trong câu lạc bộ tỷ USD, nhưng phần lớn vẫn ở tình trạng “lấy lượng đè chất”, mà đáng lẽ giá trị gia tăng sẽ cao hơn nhiều nếu chúng ta thực sự có được những thương hiệu tốt và các chuỗi cung ứng, sản xuất hiệu quả hơn.
Theo bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, để tạo sự bứt phá cho ngành nông nghiệp, Nhà nước và Chính phủ cần coi việc tạo lập các chuỗi nông - lâm - thủy sản có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trọng điểm là một trong các mục tiêu trọng tâm từ nay tới năm 2025.
Về biện pháp cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các địa phương phối hợp cùng các DN đầu tàu ngay trong năm nay cần tiến hành phân tích lại các thị trường mục tiêu/trọng tâm cho từng lĩnh vực/nhóm sản phẩm nông nghiệp, từ đó có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị với mục tiêu cụ thể là phải chinh phục được các thị trường này. Đồng thời với đó, cần triển khai ngay việc số hóa và hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia ngành nông nghiệp.
Tham gia chuỗi là không đi một mình
Từ một vài dẫn chứng trên cho thấy, để phát triển các chuỗi giá trị và gia tăng khả năng cạnh tranh của các chuỗi cung ứng trong các ngành thì bên cạnh tầm nhìn, thay đổi tư duy quản lý và các công việc phải làm thường xuyên khác như cải thiện MTKD, rất cần các chính sách khuyến khích phát triển các DN đầu tàu để họ đóng vai trò trung tâm kết nối hình thành các chuỗi giá trị, nâng cao năng suất lao động và để dẫn dắt sự phát triển chung trong hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Tất nhiên đi cùng với các chính sách khuyến khích đó cũng cần có các cơ chế ràng buộc trách nhiệm đi kèm để các DN này phải dành tâm trí, nguồn lực xây dựng chuỗi cũng như tạo và dành dư địa cho các DNNVV tham gia vào chuỗi. Chuỗi là không tồn tại và phát triển một mình và các DN đầu tàu cần rất ý thức về điều này, cũng không “lấp liếm” hay biến hóa chuỗi thành cơ hội cho các DN sân sau mà phải có cam kết và các tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong xác định các DN có thể tham gia.
Ở góc độ tham gia vào các chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu, một vấn đề nổi lên hiện nay là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng có thể làm xáo trộn các chuỗi cung ứng này, gây ra những tác động xấu trong ngắn hạn đến các nước tham gia chuỗi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên theo bà Virgninia Footer - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), cũng chính điều này đang kích hoạt việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đó, các DN chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang ở một ví trị sẵn sàng để đón nhận những cơ hội như vậy. Tuy nhiên để tăng cường tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, ngoài nỗ lực tự thân của các DN trong nước, nhu cầu hợp tác thực sự từ các DN FDI, cũng rất cần những hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ phía Nhà nước.
Trong đó, bà Virgninia Footer cho rằng, điều mà các DN trông đợi nhất là tạo lập được một sân chơi bình đẳng. Bên cạnh đó, đảm bảo cho dòng chảy hàng hóa thuận tiện cũng là vấn đề cần quan tâm.
“Sự lưu thông của hàng hóa, vật tư, linh kiện và máy móc là rất quan trọng. Chúng tôi rất hài lòng khi Việt Nam đã có những cải tiến giúp thủ tục hải quan minh bạch và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, rất thường xuyên và phần lớn là không đáng, khi kiểm toán sau nhập khẩu đang tạo ra gánh nặng cho các DN. Chúng tôi khuyến khích cơ quan hải quan áp dụng cách tiếp cận tập trung hơn vào đánh giá mục tiêu của các nhà nhập khẩu có rủi ro cao, thay vì của các thương nhân hợp pháp”, vị này đề xuất.
Đỗ Lê