Kinh tế xanh là xu hướng của các doanh nghiệp sản xuất
PGS. TS. Nguyễn Vũ Phương, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị cho rằng, việc xanh hóa và phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu hướng mà là cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp ngày nay. Để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, việc xanh hóa sản xuất trở thành bước đi không thể thiếu.
Theo ông Phương, phát triển khu, cụm công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại hướng tới trung hòa các – bon là rất quan trọng trong lĩnh vực xây dựng tăng trưởng xanh, bền vững và là cam kết đối với tương lai của hành tinh.
Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều loại hình khu công nghiệp. Thứ nhất, khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định chuyên sản xuất công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Thứ hai, khu chế xuất, là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và các hoạt động xuất khẩu được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo quy định về khung phí thuế quan. Thứ ba, khu công nghiệp hỗ trợ, chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ, có tối thiểu 60% đất công nghiệp của khu công nghiệp, được sử dụng để thu hút dự án công nghiệp hỗ trợ. Thư tư, khu công nghiệp công nghệ cao, là khu công nghiệp thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin, cụm sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ…, dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo, có tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư này. Thứ năm, khu công nghiệp sinh thái, là khu công nghiệp trong đó có doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp. Thứ sáu, khu công nghiệp chuyên ngành, là khu công nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản phẩm thuộc một ngành nghề cụ thể; có tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút đầu tư các dự án ngành, nghề này.
Các thách thức chung về phát triển khu công nghiệp sinh thái
PGS. TS. Nguyễn Vũ Phương khẳng định, hiện nay ở Việt Nam đang thiếu chiến lược, quy hoạch tổng thể, vùng đệm thiếu quy hoạch và chưa được bảo vệ, thiếu sự xem xét các kịch bản phát triển dài hạn, các khu công nghiệp được quy hoạch thiếu linh hoạt – chưa dựa trên nhu cầu thị trường, xem xét chưa đầy đủ các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội, thiếu sự tham gia của các bên liên quan trong quy hoạch và thiết kế khu công nghiệp xanh, sinh thái cũng như các chính sách hỗ trợ công nghiệp chưa rõ ràng.
“Ngoài ra, các tiện ích cơ sở hạ tầng còn hạn chế, hạn chế cả việc công sinh công nghiệp, việc tiếp cận công nghệ và kỹ năng chuyên môn cũng chưa có nhiều, các phương pháp tiếp cận khu công nghiệp xanh, sinh thái sẽ giúp giải quyết những thách thức. Đây là những thách thức chung về phát triển khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam”, ông Phương nói.
Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị nhìn nhận, hiện thực trạng đào tạo Kiến trúc – Quy hoạch về khu công nghiệp xanh ở Việt Nam chưa được bài bản và chuyên sâu so với các nước trên thế giới.
Ông Phương cho biết, khu công nghiệp xanh và khu công nghiệp sinh thái đều tập trung vào bảo vệ môi trường và có mục tiêu phát triển bền vững nhưng chúng có nhiều điểm khác biệt nhất định:
Khu công nghiệp xanh, tập trung vào việc giảm thiểu tác động môi trường thông việc sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và thiết kế hệ thống xanh.
Cụ thể, các tiêu chỉ của khu công nghiệp xanh thường liên quan đến hiệu suất năng lượng, sử dụng nguyên liệu tái chế và giảm lượng khí thải. Các công nghệ thông minh và tiên tiến thường được tích hợp để tối ưu hóa hoạt động sản xuất và tiết kiệm tài nguyên.
Khu công nghiệp sinh thái, sẽ tạo môi trường sống tốt cho cả con người và tự nhiên, không chỉ giảm thiểu tác động môi trường mà còn cân nhắc đến môi trường sống xanh cho cộng đồng xung quanh, quan tâm đến việc xây dựng không gian sống làm việc và giải trí hài hòa với tự nhiên, bao gồm việc xây dựng công viên, hệ thống đường đi bộ, khu vực xanh và giao lưu cộng đồng.
Mục tiêu của công nghiệp sinh thái thường là tạo ra không gian sống và làm việc bền vững hấp dẫn và thân thiện môi trường cho người dân.
Nghệ Nhân