Ông Oliver Regner - Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)
Bức tranh đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam
Hiện nay, Hiệp định EVFTA đã được Quốc hội thông qua. Việt Nam vốn được biết là một thị trường có nhiều ngành hàng và sản phẩm cạnh tranh. Vậy để tận dụng tốt Hiệp định này, EuroCham dự định sẽ tập trung khai thác những sản phẩm nào của Việt Nam?
Là một Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, chúng tôi luôn tập trung vào các hoạt động hỗ trợ chính sách cho 17 Tiểu ban ngành nghề. Nói về các cơ hội xuất nhập khẩu hàng hóa, các Tiểu ban ngành nghề đại diện cho thế mạnh của EuroCham, bao gồm ngành công nghiệp ô tô - xe máy; dược phẩm chất lượng cao; rượu vang và rượu mạnh; thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Hầu hết đó là các doanh nghiệp nhập khẩu, gần đây chúng tôi cũng có các công ty thành viên sản xuất trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm - nông nghiệp (thủy sản và trái cây nhiệt đới) và cả lĩnh vực y tế - thuốc Generic và sinh phẩm tương tự. Các giải pháp về công nghệ xanh, sự hiệu quả và thân thiện với môi trường đối với các sản phẩm của châu Âu cũng được quảng bá mạnh mẽ thông qua Tiểu ban Tăng trưởng xanh của chúng tôi (năng lượng tái tạo, các giải pháp quản lý nước và chất thải, kinh tế tuần hoàn).
Với nhu cầu ngày càng gia tăng của các doanh nghiệp thành viên, mới đây chúng tôi đã thành lập Tiểu ban Mỹ phẩm và hiện Tiểu ban này cũng đang đóng góp trong các buổi làm việc với Chính phủ và Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra EuroCham cũng đang xem xét thành lập Tiểu ban về Dệt may do gần đây có nhiều yêu cầu hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong bối cảnh EVFTA được thực thi. Hiện tại, chúng tôi chưa thành lập các Tiểu ban thuộc các lĩnh vực thế mạnh của châu Âu và là những ngành mà Việt Nam không sản xuất như: máy móc, máy bay, nhưng đây là những ngành mà trong tương lai chúng tôi có thể khai thác. Với cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn, Việt Nam sẽ có thể là nguồn cung cấp nguyên liệu, công nghệ và thiết bị cho Liên minh châu Âu với chất lượng và giá cả tốt hơn. Điều này cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao uy tín của Việt Nam với các đối tác khác.
Buổi làm việc mới đây giữa EuroCham và VINASME. Ông Oliver Regner ( ngoài cùng bên trái).
Nhìn chung, đối với ngành dịch vụ, chúng tôi nhận thấy tiềm năng của các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và tư vấn tài chính (pháp lý, thuế, đào tạo quản lý, v.v.). Các doanh nghiệp châu Âu hiện nay có thể cung cấp chuyên môn cao trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển liên ngành, các dịch vụ y tế cũng như xúc tiến thương mại và các hoạt động triển lãm.
Tại EuroCham, chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn trong ngành dịch vụ thông qua hoạt động của Tiểu ban Vận tải và Hậu cần tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại sắp tới. Vừa qua, vào ngày 30 tháng 7 tại Hà Nội, chúng tôi cũng đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Cục Hàng hải Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải để cùng phối hợp trong quá trình triển khai EVFTA và thúc đẩy, nâng cao năng lực của ngành vận tải và hàng hải Việt Nam. Hơn nữa, với việc ứng dụng thông tin và công nghệ ngày càng cao trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi kỳ vọng vào sự phát triển và hoạt động mạnh mẽ hơn nữa của Tiểu ban Kỹ thuật số.
Nhiều cơ hội nêu trên đã được thảo luận trong cuộc họp gần đây giữa Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME) và EuroCham, với mục tiêu cùng hướng tới quan hệ hợp tác chiến lược trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam và châu Âu tiếp cận và áp dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do EFVTA. EuroCham hiện cũng đang làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để ký Biên bản ghi nhớ và thành lập Hội đồng Doanh nghiệp EU-Việt Nam, theo đó một số Tiểu ban ngành nghề của EuroCham sẽ làm việc với các Nhóm công tác tương ứng của VCCI tạo ra một nền tảng chung, các điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai EVFTA trong một số lĩnh vực phục vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu.
Các nhà đầu tư châu Âu ấn tượng với nguồn cung đáng tin cậy của Việt Nam
Là thành viên cấp cao trong EuroCham,ông kì vọng thế nào về triển vọng hợp tác trao đổi thương mại và thu hút đầu tư các doanh nghiệp châu Âu với doanh nghiệp Việt Nam?
Về phần mình, EuroCham rất vui được hợp tác với VINASME để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng như của châu Âu đạt được những lợi ích tốt nhất từ Hiệp định EVFTA, cả về mặt xuất khẩu sang châu Âu lẫn nhập khẩu vào Việt Nam, cũng như thúc đẩy phát triển đầu tư. Việc thành lập một Trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs Centre) là một trong những mục tiêu và động lực của chúng tôi. Tất nhiên, sẽ cần nhất sự hỗ trợ của các nhà chức trách, quan trọng nhất là từ phía các cơ quan châu Âu. Ngoài ra còn có rất nhiều hỗ trợ thông qua các Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu đa quốc gia, liên kết với EuroCham và có vai trò kết nối các doanh nghiệp từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với các đối tác Việt Nam.
“Điểm cộng” của Việt Nam
Với tình hình thế giới như hiện nay, cộng đồng EuroCham có những ý tưởng, kịch bản để xoay trục đầu tư sang Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Thiệt hại về mặt kinh tế là rất lớn, ngay cả khi các biện pháp về y tế phòng chống dịch ở Việt Nam đã được Chính phủ thực hiện rất tốt, nhưng cuộc khủng hoảng ở châu Âu chắc chắn sẽ tác động đến nhu cầu đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Do đó, các quyết định đầu tư sẽ bị tác động tiêu cực hoặc ít nhất là bị trì hoãn trong bối cảnh này. Việc EVFTA có hiệu lực là một yếu tố tích cực vì hiệp định này sẽ gia tăng và đảm bảo sự tăng trưởng của thương mại và sản xuất trong trung và dài hạn.
Về đầu tư, dự đoán về tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai của lãnh đạo doanh nghiệp sẽ đóng vai trò trong quyết định đầu tư của họ.Về diễn biến chính trị, Việt Nam được đánh giá cao nhờ sự ổn định và sự tín nhiệm đối với đường lối lãnh đạo chính trị của Đảng và các chính sách điều hành nền kinh tế cũng như chính sách cởi mở đối với đầu tư nước ngoài của Nhà Nước. Ngay cả khi bối cảnh thương mại quốc tế đang có nhiều diễn biến đầy phức tạp, thì chính EVFTA sẽ đảm bảo mối quan hệ đối tác chiến lược giữa một bên là nền kinh tế đang phát triển nhanh với một bên là thị trường xuất khẩu có mức thu nhập cao, dựa trên nguyên tắc pháp quyền, đảm bảo tính ổn định và tính định đoán.
Ngày 1/8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) đã chính thức đi vào hiệu lực, đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EU).
Về phía EuroCham, dự định đầu tiên mà chúng tôi muốn thực hiện là nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư tiềm năng châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời có những hành động cụ thể để phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, kết hợp với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng tại Việt Nam và châu Âu để có những hành động cụ thể giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm hiểu và tận dụng các cơ hội kinh doanh mà Hiệp định này mang lại.
Môi trường kinh doanh hiện nay cũng như những đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước Việt Nam đã được trả lời bằng những con số trong thực tế. Có thể thấy rõ nhất bằng con số tăng trưởng GDP ở Việt Nam do Ngân hàng thế giới dự báo đạt 2.8%; kết quả phòng chống dịch hiệu quả ở Việt Nam cùng những chính sách đảm bảo an sinh xã hội đều được đánh giá cao,… Dưới góc nhìn của một tổ chức Doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Đúng vậy, rõ ràng là các biện pháp phòng chống đại dịch được Chính phủ thực hiện từ rất sớm, giúp Việt Nam đạt được thành tích tốt, giảm thiểu các ca lây nhiễm. Thành tích này đã được cộng đồng quốc tế, bao gồm cả cộng đồng doanh nghiệp, công nhận. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam không bị dừng lại nên dường như đây là một trong những đối tác có nguồn cung ứng đáng tin cậy nhất trong khu vực. Việc này ảnh hưởng tích cực, giúp giảm thiểu quan ngại liên quan đến các cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, chúng ta cũng nên nhớ rằng Việt Nam có những lợi thế so sánh và những thành tích đáng nể.
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu u (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA đã được khởi động trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu u ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết về tạo dựng một môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Bảo Trinh (t/h)